Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: "Con người chẳng thể nào “trốn” được thời gian"

06/01/2006 22:09 GMT+7

Thời gian, con người thường nói về, nghĩ về thời gian vào một giây phút tĩnh lặng nào đó trong cuộc hành trình gian nan của đời người. Mới đó mà đã 5 năm, 10 năm..., hoặc để nhớ một ngày rực rỡ, để nhớ nhiều thế hệ đã yên nghỉ, nhiều thế hệ đã sống với biết bao niềm vui, nỗi buồn và mơ tưởng đến tương lai. Giữa khoảnh khắc này, với tâm hồn của một người từng là cánh chim đầu đàn trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã tâm sự với Thanh Niên nhân ngày 9.1.

Tôi có người bạn thân, nhà thơ Lê Văn Ngăn, vừa viết bài thơ Thời gian rất hay đăng trên Báo Thanh Niên 3.4.2005, đoạn cuối có viết:

Giờ đây,
tôi muốn bắt đầu níu thời gian vào cuộc đời
kết tinh thời gian vào sự vật
chẳng hạn, tôi muốn trồng vài bông hoa nhỏ bé
gởi lại nơi tôi đã lọt lòng mẹ và sống giữa đời người.

Thời gian là một phạm trù triết học, con người chẳng thể nào “trốn” khỏi thời gian, tôi nghĩ hãy dành cho thời gian một ý nghĩa, một đời sống sinh động như trồng vài "bông hoa nhỏ bé" chẳng hạn.

* Đó cũng là một ý tưởng lãng mạn mà chân thật. Tôi nhớ vào những năm 60 anh đã viết: Đỉnh non cao đoạn cuối là người phu xe vẫn quay tròn quay tròn thời gian, người phu xe vẫn quay quay đều thời gian... Điệp khúc như một nỗi buồn tù túng. Nhưng không lâu sau đó, ca khúc của anh bật lên những giai điệu lạ lùng, tươi mới nào là lúa của anh thơm trên đồng xanh, lúa người nghèo nuôi dân cả nước..., nào là ngày nao thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ, ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào... Phải chăng...?

- Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Con người khi lên đến một đỉnh cao càng thấy cô đơn cùng cực. Và khi cô đơn, ta lại tìm đến một đỉnh cao mới. Sứ mệnh của văn nghệ sĩ là phải luôn luôn chọn đứng bên bờ vực thẳm để thấy hết nỗi đau của đời người của người dân ở hạng cùng đinh. Và nhiệm vụ là viết bản án kết tội những người đã đưa họ xuống vực thẳm, phải đấu tranh cho một xã hội công bằng như lý tưởng một thời phong trào sinh viên học sinh.

* Và đi cùng anh, bất chấp những mũi gai nhọn đang chờ chực sẵn, như những con sóng dữ dội vẫn đập vào ghềnh đá, đã có nhiều ca khúc ra đời hòa vào cuộc đấu tranh cuồn cuộn lan tỏa ra mọi miền của đất nước, phải chăng đây là những ngọn nắng rực rỡ của một thời?

- NS Tôn Thất Lập: Có lẽ là như vậy. Chính khi bất chợt phát hiện ra điều bất công đó, phút sự thật nổ tung trong khoảnh khắc như một cơn sét đánh... Những tác phẩm ra đời nối mạng những kiếp người cùng phấn đấu cho một xã hội mới. Phải dấn thân để nhận thức và đấu tranh mới thấy được bản lĩnh của chính mình. Và từ đó mãi mãi đặt trái tim mình rung động cùng nhịp đập của thời đại ta mới thấy sự lớn lao của đời sống. Và chính đời sống nâng ta lên một bước mới.

* Anh đã có những rung động cùng nhịp đập của thời đại. Nhưng ngoảnh lại những gì đã qua thì đã đi qua, và những gì ở lại thì mãi mãi muôn đời như ca dao dân ca, cổ tích... Những ca khúc hát cho đồng bào tôi nghe ngày nào hừng hực trên đường phố, anh nghĩ rồi đây nó sẽ ở đâu?

- NS Tôn Thất Lập: Sức mạnh của ca khúc khi chúng ta đã vào đời, tác giả không lường hết được. Nó đóng đô trên mái nhà tâm linh và sinh sôi trong ngôi đền trần thế. Hát cho đồng bào tôi nghe làm run rẩy cả một chế độ. Nói như nhà văn Trần Bạch Đằng: nó đưa cả một khí thế quần chúng dữ dội, thực sự dấn thân, cả trong tù.

Tác phẩm Hát cho đồng bào tôi nghe đối với thế hệ sau tác dụng như một sự truyền đạt lên một giá trị lịch sử. Hãy đánh thức tâm hồn thế hệ đó mở cửa một ngôi đền đá chìm sâu dưới những tầng bậc của thời gian. Chúng ta phải hát bằng ngôn ngữ của thời đại đã sống chiến đấu và thế hệ sau phải tiếp thu bằng cách diễn đạt khác. Điều mà ta cần như là những lời ru của mẹ gửi gắm những giáo lý quanh quẩn bên nôi con, rót mãi vào cửa ngõ trái tim con.

* Và bây giờ, việc sáng tác của anh ra sao?

- NS Tôn Thất Lập: Tôi vẫn bơi mãi trong "dòng sông thi ca" của mình (tình ca đang quay về tuổi thơ và tình yêu đang mở ra rung động nhân văn thời đại).

m nhạc sẽ là những romance và nhạc trẻ kết tinh từ ngôn ngữ dân tộc và bút pháp đương đại. Romance không phải theo style semi-classic mà là neo-classic.

* Thế hệ nhạc sĩ trẻ bây giờ khá nhiều màu sắc, anh mong điều gì sẽ xảy ra?

- NS Tôn Thất Lập: Hãy kiên nhẫn chờ đợi họ. Tôi tin tưởng vào họ.

"Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em...". Đầu những năm 60 tiếng hát ấy đã nằm trên những vòng tròn của đĩa hát Asia.
Tôn Thất Lập đã đến với âm nhạc bằng những tình khúc, mặc dù trong chiến tranh anh được biết nhiều như một nhạc sĩ của phong trào.
Chiến tranh chỉ là một tai nạn của đời thường. Không ai mơ ước ca hát mãi về chiến tranh như một lẽ sống.
Cũng vậy, Tôn Thất Lập đã từ lâu, lại tiếp nối tiếng hát về Em như một trách nhiệm của người biết rao giảng về chuyện tình.
"... trút hơi sau cùng giải thoát dân gian"
Có một thời anh đã nhắc đến cái sứ mệnh ấy của tiếng hát và tôi nghĩ rằng anh chẳng phải là con người dễ quên để không thể một ngày nào đó thông báo cho chúng ta tin mừng về sự giải thoát.

Trịnh Công Sơn (1990)

 Lê Nhược Thuỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.