Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến: "Tại sao cứ phải bó buộc ca khúc vào khúc thức?"

06/12/2005 22:00 GMT+7

Tác giả Bà tôi - Bài hát Việt tháng 9 vừa tái xuất với ca khúc thứ 2 Giọt sương bay lên đêm 27/11 đầy ấn tượng. Sáng 28/11, có rất nhiều cuộc điện thoại chúc mừng tác giả, hầu hết đều tỏ ra lo lắng: "Chắc anh đã từng đoạt giải rồi nên kỳ này khó". Nhưng rõ ràng với Giọt sương bay lên, sau bài Bà tôi đi kèm với nhiều dư luận về một tác giả "không biết nhạc lý", Nguyễn Vĩnh Tiến đã chứng minh được khả năng viết ca khúc của mình.

* Nhiều ý kiến cho rằng Bài hát Việt chia đều các giải thưởng từng kỳ cho nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng, vì thế dù Giọt sương bay lên ấn tượng hơn Bà tôi hay các bài hát khác đi chăng nữa cũng không thể một lần nữa giành được giải thưởng Bài hát của tháng, hơn nữa kỳ này có hai tác phẩm của Đặng Hữu Phúc và Khánh Vinh có uy tín hơn anh và tình cờ cũng dùng chất liệu dân ca cho ca khúc dự thi. Anh nghĩ sao?

- Kết quả của chương trình là của Hội đồng thẩm định và tôi tin vào mọi quyết định của họ. Tôi vui nhiều hơn buồn khi sáng nay có rất nhiều cuộc điện thoại phản hồi về Giọt sương bay lên và dự đoán nó không được giải. Ca khúc ngay lần đầu tiên xuất hiện đã thu hút sự chú ý của khán giả, đó là điều đáng mừng. Đối với tôi, bài hát viết nương vào cảm xúc cá nhân và nó cần được tỏ bày với người nghe. Học thuật chỉ là công cụ để làm điều đó.

* Sau giải thưởng cho bài Bà tôi, anh phản ứng rất dữ vì một bài báo khẳng định anh không biết nhạc lý?

- Tôi cũng chỉ phản ứng với bài báo đó chứ còn với mọi người thì thanh minh có nghĩa lý gì nếu như không có tác phẩm! Sự xuất hiện của bài hát thứ hai trong chương trình sẽ trả lời thay tôi với công luận. Tôi đã viết được khá nhiều ca khúc và cũng rất mong có ca sĩ tìm đến.

Nguyễn Vĩnh Tiến (sinh năm 1974) là kiến trúc sư hiện làm việc tại Bộ Xây dựng. Anh được biết đến như một nhà thơ (còn có bút danh là Tiểu Tuyền Thư). Anh đã từng đoạt nhiều giải thưởng văn học của báo Tiền Phong, Văn nghệ trẻ, Hoa học trò, Văn nghệ TP.HCM; từng xuất bản 1 tập truyện ngắn và 1 tập thơ. Anh từng viết ca từ cho rất nhiều ca khúc của Giáng Son trước khi chuyển qua tự viết ca khúc. Hiện tại, số bài hát của Tiến đã ngót nghét 100. Và anh đang ôm ấp dự định đưa nó đến công chúng, trước mắt là cùng ca sĩ Ngọc Khuê - cá tính âm nhạc mà anh rất yêu quý.

* Anh là nhà thơ trẻ, và dường như anh "giải tỏa" thơ bằng cách đưa nó vào trong ca khúc? Hai bài hát đã công bố dường như vẫn hơi tự do thiên về cảm xúc và thiếu sự cân đối của tác phẩm?

- Đúng, một số bài thơ của tôi bị ách tắc trong ý tưởng và trong... ngăn kéo. Thơ và nhạc tương đối gần nhau. Và tại sao cứ phải bó buộc ca khúc vào một khúc thức rõ ràng. Thơ còn có thơ tự do bên cạnh lục bát, thất ngôn... Mọi người hãy cởi mở hơn và quan tâm đến cảm xúc cho ca khúc của tôi.

* Anh nói thế để bào chữa cho lối sáng tác rất bản năng của mình chăng?

- Nghệ thuật - không riêng gì sáng tác ca khúc, theo tôi là sự sống sót và trỗi dậy của bản năng. Nếu sáng tạo mà chỉ bằng lý trí thì quả là đáng lo ngại.

* Nhưng chẳng lẽ anh cứ tiếp tục sáng tác bằng bản năng mãi?

- Không. Bản năng cũng phụ thuộc vào sự logic và tích lũy tri thức chứ. Bản năng của một đứa trẻ khác bản năng của một người đàn ông, một anh công nhân khác một họa sĩ. Tôi sẽ tiếp tục viết thật với cảm xúc của mình.

* Ngoài kiểu viết tựa vào tiếng kinh kệ và những hình ảnh thơ trong ca từ, anh còn gì?

- Hai bài hát vừa công bố mà đã có điểm chung, tôi mừng vì nó đã là của tôi. Sẽ còn nhiều chất liệu âm nhạc thật sự là của văn hóa Việt nữa. Chừng nào tôi thực sự thẩm thấu được gia tài đó, ca khúc sẽ tự bộc lộ.

* Cảm ơn anh.

Chu Minh Vũ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.