Nhạc sĩ - nhà thơ Trương Tuyết Mai sinh năm 1944, quê hương ở Sông Cầu, Phú Yên. Bà có ông nội làm quan cửu phẩm dưới triều nhà Nguyễn, gia đình giàu tình yêu âm nhạc. Sau năm 1954, bà được tập kết ra miền Bắc, học tại Trường Học sinh miền Nam (Hải Phòng). Từ mái trường này, bà bắt đầu hoạt động âm nhạc cho đến năm 1965 thì tốt nghiệp Trường Âm nhạc VN. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai về công tác tại dàn nhạc Đài phát thanh Giải phóng, tiếp đó là Đài tiếng nói VN rồi làm việc ở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.
Tới nay, nhạc sĩ - nhà thơ Trương Tuyết Mai có hơn 300 ca khúc và hợp xướng, với nhiều ấn phẩm đã được xuất bản: Tuyển tập Huế - tình yêu của tôi; 6 ca khúc Trương Tuyết Mai; 10 tình khúc Trương Tuyết Mai: Sao anh không là; tuyển tập Rừng với tình em, album Từ ngày ấy…
Với những thành tựu cống hiến của mình, năm 2023 bà trở thành nữ nhạc sĩ duy nhất cho đến nay được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Đến dự và mừng "đứa con tinh thần" mới nhất của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, nhà thơ Bùi Phan Thảo nhận xét: "Hầu hết các bài thơ trong tập này đều cô đọng, súc tích, như những khúc thức đẹp trong âm nhạc, đặc biệt rất gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, vườn xanh cây lá, tiếng chim hót, ánh trăng khuya. Thơ Trương Tuyết Mai sâu sắc, trí tuệ mà vẫn trẻ trung, ăm ắp nữ tính. Nhà thơ chọn phong cách thơ kiệm lời, lấy ý chuyển tải tình. Là một nhạc sĩ nên nhiều bài thơ của Trương Tuyết Mai thánh thót, đầy nhạc tính. Người đời thường ngắm trăng, còn nhà thơ - nhạc sĩ lại "nghe trăng". Nhà thơ nghe thanh âm từ ánh sáng, những đóa hồng lặng im nghe dạ khúc phiêu bồng: "Vằng vặc sáng/trăng tràn vào nhà/óng ả/ánh bạc ngân nga/vang dội căn phòng" (Nghe trăng)".
Còn nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã cho rằng: "Hòa âm đêm có nhiều tầng thức. Hiểu theo thức bình thường thì nó là bản hòa âm trong đêm. Hiểu theo tầng thức nghệ sĩ thì nó là những "niệm khúc trong đời"..., của một người có tài hoa khác người".
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân khẳng định: "80 năm cuộc đời, nhạc sĩ, nhà thơ Trương Tuyết Mai đã có có hơn 60 năm đồng hành cùng với đất nước, cùng với dân tộc từ trong khói lửa chiến tranh đến ngày thống nhất và xây dựng đất nước, bằng nỗ lực sáng tạo miệt mài, ở tuổi 80 bà vẫn tiếp tục sáng tác vừa ca khúc, vừa thơ. Đúng như lời bộc bạch bằng tất cả cõi lòng của nhạc sĩ ở đầu tập thơ Hòa âm đêm:Vẫn biết kiếp tằm phải nhả tơ/Vẫn thơ gan ruột tươi màu huyết/bện dệt buồn vui thẳm phận người".
Bình luận (0)