Nhạc sĩ Từ Vũ của ‘Gái Xuân’ từng 'gà trống nuôi con', cô đơn ở Đà Lạt

06/10/2021 14:30 GMT+7

Người tình xưa bỏ nhạc sĩ Từ Vũ ở lại để ông viết nên ca khúc Khung trời năm tháng đầy xúc động: " Quên rồi chăng em hỡi mấy cung đàn/Quên rồi chăng em hỡi giấc mơ tan/ Em giờ đây như gió thắm mây ngàn người hỡi sao thờ ơ...”.

Sau khi lập gia đình, an hưởng hạnh phúc bình yên một thời gian dài, bất chợt đôi lúc trong lòng nhạc sĩ Từ Vũ - tác giả nhạc phẩm Gái Xuân (phổ thơ Nguyễn Bính) nổi tiếng, lại có những thoáng nhớ về người tình ngày nào và cảm thấy niềm cô đơn bủa vây, đè kín tâm tư để phải trốn chạy, tìm về những chốn hẹn hò của ngày tháng cũ, dòng sông xưa. Và Cô đơn chiều Dalat, Mưa cao nguyên đã được Từ Vũ ghi lại vào giai đoạn này (1963 - 1964).

Nhạc sĩ Lam Phương và Từ Vũ (phải) gặp nhau ở khu Little Saigon (Nam California, Mỹ) vào khoảng năm 2005

T.L GIA ĐÌNH

Vào khoảng cuối năm 1971, người bạn đời đã vĩnh viễn ra đi, bỏ ông ở lại cùng 5 con thơ dại trong cảnh "gà trống nuôi con". Niềm đớn đau và nỗi mất mát lớn lao này được ông gói ghém qua ca khúc Tiếng hát cho người tình. Niềm cô đơn trống vắng đến cùng nỗi cô quạnh bủa vây: “Quê hương em biền biệt cuối trời/Nghìn trùng xa xôi khép kín tình anh trong đơn côi... biền biệt cuối trời?”. Đôi lúc trong Từ Vũ, bóng hình người bạn đời tưởng chừng vẫn còn lảng vảng đâu đây, chưa vĩnh viễn rời xa trong những nhớ nhung, thao thức giữa mộng và thực, rồi đau với những mất mát, chia lìa vẫn hoài đeo đuổi: “Từ đó, anh mang theo dòng nhạc rã rời/Tiếng hát ấm ru người tình năm xưa”.

Có sống trong tận cùng nỗi cô đơn trống vắng, có trải qua nhọc nhằn, một mình nuôi đàn con còn bé dại, thiếu bàn tay hiền mẫu, người ta mới cảm nhận được. Từ đó, Từ Vũ (Trần Đỗ Lộc) mang theo dòng nhạc rã rời: "Anh nghẹn ngào suy tư từng hồi, từng hồi… rồi thôi.Trời lấy mất đi người yêu”.

Nỗi đớn đau, mất mát nào rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian. Thêm vào đó là những bận rộn sinh kế sau cuộc đổi đời. Những lãng mạn, những hồn thơ nét nhạc dường như rời xa con người nhạc sĩ Từ Vũ thời gian khá dài. Mãi đến cuối năm 1996, khi các con đã trưởng thành, có những đứa sống xa ông nửa vòng trái đất. Cảm thấy đôi lúc cô đơn nổi lên đến ngút ngàn, nhạc sĩ Từ Vũ một mình lang thang trên những con dốc Đà Lạt, gặm nhấm niềm đơn côi bủa vây và ao ước đôi khi được như... cánh chim trời.

Có thể gọi, đây là giai đoạn Từ Vũ và Những ngày mưa. Tuy nhiên, khác với những giọt mưa vui của Văn Phụng: "Mưa rơi rơi bên đường…/Mưa rơi suốt canh trường/Mưa rơi ướt phố phường”. Và cũng không tha thiết van xin mưa như nhà thơ tình Nguyên Sa của Tháng sáu trời mưa: "Trời không mưa, tôi cũng lạy trời mưa". Ngược lại, nhạc sĩ Từ Vũ muốn trốn chạy những ngày mưa, thế nhưng mưa trong ông, mưa trong đời vẫn cứ tràn ngập bủa vây.

Bìa album Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân của nhạc sĩ Từ Vũ

T.L GIA ĐÌNH

Mưa tháng sáu thơ của P.N.Thường Đoan được ông phổ thành ca khúc Mưa đời lãng du Mưa của Trần Hữu Ngư nhanh chóng ra đời: "Bao giờ trời mới thôi mưa/Mưa nhung nhớ, mưa thiết tha…/Một mai em có qua đây/Ta xin đốt lửa những ngày thôi mưa”. Xót xa và đồng cảm với tình yêu mang ít nhiều oán trách, giận hờn, nhưng vẫn còn yêu và nhớ lên đến dại khờ nỗi nhớ của người con gái đã một thời lỡ vận.

Từ Vũ đã tài tình thả nhạc vào bài thơ Bây giờ mới biết của Trần Hữu Ngư chuyển thành bài hát Như giọt sương tan: “Có lẽ bây giờ Em mới hiểu/Tình yêu là thứ rượu lạ đời/Lúc đắng cay làm tim em héo hắt…”

Tuy vậy, những u buồn của ngày mưa trong cảnh "gà trống nuôi con" vừa sáng tác của tác giả nhạc phẩm Gái Xuân - Từ Vũ rồi cũng qua đi. Thời gian vẫn là liều thuốc nhiệm màu hàn gắn tất cả những mất mát, đổ vỡ. Bình minh rồi cũng đến, nắng sẽ lên và từng đàn chim lại về ca hát, tiếp nối lại ngày vui cho cuộc đời ông. (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.