(iHay) Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng tinh thần tôn trọng, học hỏi từ những bậc tiền bối đã biến mất từ lâu đối với một bộ phận ca sĩ, nhạc sĩ trẻ.
>> Nhạc Việt trong mắt tôi: ‘99% ca sĩ không đọc được nốt!’
>> Phát ngôn sốc nhất tuần: 'Đàm Vĩnh Hưng... chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót
>> Đàm Vĩnh Hưng: 'Chó sủa thì chó cứ sủa, đoàn người đi cứ đi
>> Dân mạng lại tranh cãi vụ Mr Đàm khóc xin lỗi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Theo nhạc sĩ của những Áo xanh, Rêu phong, Trả nợ tình xa..., thời nay, đang tồn tại một thực tế là ca sĩ thì tin rằng họ không cần học hỏi gì từ các giọng ca tiền bối, còn các nhạc sĩ thì tuyên bố rằng mình đi vào hiện đại nên không cần tìm hiểu về quá khứ.
Không cần biết người trên, kẻ trước
Khác với cải lương hay kịch nghệ, những thế hệ trẻ lúc "nhập môn" luôn được học, biết và phải luôn bày tỏ sự kính trọng với những bậc tiền bối, những giá trị đã có trong ngành nghề của mình thì hiện nay trong âm nhạc nói chung, những thang bậc kế thừa tinh thần như vậy đang mất dần. Sự hỗn loạn của làng âm nhạc, do vậy, cũng là một điều dễ hiểu.
Rất nhiều ca sĩ trẻ hay nhạc sĩ trẻ - theo danh xưng được gọi như vậy - hoàn toàn không biết đi trước mình là những ai. Thậm chí, họ cũng không có nhu cầu cần biết.
Cuộc sống cuống cuồng chạy vội với tiền bạc, danh hiệu… trong âm nhạc hôm nay khiến điều quan trọng hơn là làm sao học vội một bài hát, viết một ca khúc na ná những gì đang thịnh hành để nhảy kịp lên “chuyến xe Nam Kha” (*) về miền không bờ bến.
|
Không ít ca sĩ khi được hỏi là họ đang hát với phong cách gì, câu trả lời rất dễ gây giật mình. Chẳng hạn: “Em đang hát dòng nhạc Mỹ Tâm”, hoặc “dòng nhạc Cẩm Ly”. Đại loại vậy...
Sự hời hợt và thiếu hiểu biết của một lớp ca sĩ như vậy đang tràn lan khắp nơi, vẫn thường gây nên cảm giác tuyệt vọng cho những ai tâm huyết với nhạc Việt.
Nhạc sĩ thời nay: chuyện nhỏ!
Không phải vô lý mà các nhà nghiên cứu vò đầu bứt tai cãi nhau để tìm ra những định danh như dòng nhạc bolero, nhạc quê hương, nhạc trẻ, nhạc thính phòng… để thế hệ sau học hỏi và tiến hóa. Nhưng điều đó có nghĩa lý gì trong thời đại hô biến thành ca sĩ, nhạc sĩ trong tích tắc, tuyên bố những điều dốt nát nhưng vẫn được một số đơn vị truyền thông nào đó “bảo trợ”.
|
Gần hơn thì cũng có người gọi tên là mình viết loại nhạc “sang” (mà trên thực tế, cũng chẳng có loại nhạc Việt nào bị gọi tên là nhạc “hèn” cả) nhưng đa phần trong họ không hề viết được một dòng nhạc nào, chỉ là người tự hát giai điệu vào máy ghi âm rồi nhờ người có học chép lại, thực hiện hòa âm dùm.
Nhạc sĩ của nhạc Việt hôm nay có công thức như vậy, khá dễ dàng thực hiện, cũng như khá nhanh chóng đặt tên cho mình.
Âm nhạc có lợi thế là tiếp cận công nghệ nhanh chóng, song bất cập của nó trong làng nhạc Việt hiện nay là tạo nên khá nhiều ca sĩ, nhạc sĩ công nghệ chứ không tạo nên được một tư chất nghệ sĩ.
|
Đã từng có chuyện một “nhạc sĩ” trẻ, tuyên bố rằng bất cứ ai thích bài hát nào của nước ngoài, cứ mang đến cho anh ta, anh sẽ sửa, cắt, gọt bài hát ấy thành một bài nhạc Việt vừa ý với giá cả phải chăng.
Đừng "bắn súng lục vào quá khứ"...
Thời đại trộm cắp ý tưởng, vay mượn bùng nổ trong nhạc Việt từ hơn hai thập niên, và phổ biến đến mức người bị phát hiện không chút ngại ngùng, cũng như khán giả quá chán ngán đến mức không màng đến chuyện phản ứng như những ngày đầu nhạc trẻ quay lại Việt Nam trong thập niên 90.
May mắn cho Tuấn Ngọc, Elvis Phương… về nước và biểu diễn nên còn được biết đến. Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hôm nay hoàn toàn ngơ ngác khi được hỏi thêm về Thái Thanh, Hoàng Oanh, Duy Trác, Sĩ Phú…; thậm chí, với các nhạc sĩ tiền bối như Phạm Duy, Văn Phụng, Trầm Tử Thiêng… thì còn là những khoảng trống bao la hơn nữa.
Ca sĩ thì tin rằng họ không cần học hỏi gì từ các giọng ca tiền bối, còn các nhạc sĩ thì tuyên bố rằng mình đi vào hiện đại nên không cần tìm hiểu về quá khứ.
Thế nhưng, rất nhiều, rất nhiều người hãnh tiến như vậy trong làng giải trí Việt hôm nay không biết rằng thế giới không thể đi vào hiện đại hôm nay, nếu như không trân trọng và kế thừa từ những điều “lạc hậu” hôm qua.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC: Nên tự trọng Tôi 56 tuổi, người gốc tại Sài Gòn, hiện sống ở Q.7, TP.HCM. Khi xưa, ở cái tuổi cắp sách đến trường, tôi là người rất mê "âm nhạc" nói riêng và nghệ thuật nói chung (kịch, cải lương, ngâm thơ...). Lúc ấy, tôi thường tháp tùng cùng mẹ mỗi khi đi xem diễn ở các rạp. Sau khi ôn bài, tôi lấy những bản nhạc "ngày xưa" có in bản lề từng tác phẩm (gồm lời + nốt nhạc) ra tập và hát nghêu ngao. Theo tôi, âm nhạc đầu tiên phải được cảm nhận bằng tai, rồi tiếp đến bằng mắt, từ đó theo cảm xúc đến tâm hồn mỗi con người để thưởng thức và đánh giá. Thử nhìn lại những ca sĩ ngày xưa sẽ thấy sự thể hiện rất lịch lãm, từ cách ăn mặc và cách truyền tải bài hát đến khán giả. Còn bây giờ nghe hát như tiếng gào thét, cách hất sửa giọng và diễn xuất hay ăn mặc thì không biết phải nói thế nào... Nhận xét như vậy không có nghĩa là người có tuổi mà nhận xét người trẻ hiện nay. Chỉ mong những người đang làm công việc trong âm nhạc, nhạc sĩ và ca sĩ, nên tự trọng và có trách nhiệm trước "nghề nghiệp" mà mình đang đảm trách. (Hoang Le <hoangle2703@gmail.com>) Ba điểm yếu + Thứ nhất: Phần lớn những người hát (ca sĩ) không được học thanh nhạc một cách nghiêm túc cũng như thiếu kiến thức âm nhạc nói chung. Chưa kể, rất nhiều người còn không biết nhìn và hát theo bản nhạc - gọi là ký xướng âm. + Thứ hai: Cái nền văn hóa của người hát nói chung còn nghèo nàn. Đã thế, họ lại không chịu khó học hỏi, rèn rũa bản thân, giọng hát mà lại ảo tưởng mình là “sao” nhất là khi được giới truyền thông tung hô ầm ĩ hay gặt hái được một chút gọi là “thành tích” ở các giải thưởng nho nhỏ mang tính chất phong trào. + Thứ ba: Nguyên nhân là do công nghệ lăng xê thông qua các phương tiện nghe, nhìn, báo chí… đánh bóng tên tuổi, đưa người hát nói riêng và những người trong giới showbiz nói chung lên tận “mây xanh", trở thành sao này sao nọ. Chả thế mà người mẫu, vũ sư hay diễn viên (chắc là chưa qua trường lớp luyện thanh nghiêm túc nào hoặc có nhưng học cấp tốc) đều có thể trở thành ca sĩ ra album ngay sau một thời gian quyết liệt chuẩn bị. (Đỗ Văn Hùng, Đà Nẵng) Tại sao chấp nhận thợ hát? Muốn hát có cảm xúc, ca sĩ phải vừa có năng khiếu vừa có chuyên môn trau dồi qua quá trình học tập và phải vừa có cái tâm cái tầm với nghệ thuật và cuộc sống thì điều đó trở thành đơn giản. Vậy nhưng điều được quan tâm của ca sĩ đâu có phải là thế mà là tiền bạc, biệt thự, siêu xe, sự nổi tiếng... Vì vậy, họ bất chấp tất cả. Cứ thế, sẽ xuất hiện nhiều ca sĩ thành danh mà chẳng cần qua trường lớp đào tạo bài bản nào cả chỉ cần biết hát, có thân hình đẹp, có một ông bầu có sự lăng xê của giới truyền thông là có hàng tá những thợ hát trong giới showbiz Thế nhưng, khán giả cũng như các nhà chuyên môn vẫn chấp nhận họ tại sao vậy? Tôi rất đồng tình với nhiều độc giả cho rằng thị hiếu âm nhạc của người Việt Nam bây giờ là như vậy, thường chạy theo đám đông. Nhưng cũng phải khẳng định rằng môi trường âm nhạc nước nhà thiếu hẳn sự phê bình, đánh giá âm nhạc nghiêm túc. (Khanh Đinh Lê <dungkhanh1996@gmail.com>) |
Tuấn Khanh
(*) Bạn đọc có thể gõ từ khóa "Giấc mộng Nam Kha" trên Google để hiểu thêm ý nghĩa cụm từ "chuyến xe Nam Kha" của nhạc sĩ Tuấn Khanh.
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 3: Đừng bắt trẻ con làm trò cho người lớn!
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 2: "Các bé chê nhạc Việt sến
>> Con nít "chê" nhạc Việt - Kỳ 1: Ghét nhạc Việt, chuộng nhạc Anh, nhạc Hàn
Bình luận (0)