Nhái game: Cần lắm một cái nhìn tích cực

25/01/2014 14:00 GMT+7

Nhái game và sáng tạo, đâu là giới hạn của hai khái niệm này?

Thay vì chấp nhận nó như một cách để các nhà sản xuất trong nước học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và nhanh chóng bắt kịp thế giới, game thủ trong nước lại xem các tựa game phát triển dựa theo các sản phẩm nổi tiếng là một nỗi ô nhục và ra sức miệt thị đội ngũ phát triển. Liệu việc này có công bằng?

“Nhái” hay “bắt chước” là từ dùng để chỉ việc một người/doanh nghiệp áp dụng các mẫu mã và công nghệ tương tự với các sản phẩm đã có trước đó. Trên thế giới, việc này khá phổ biến mà ngay cả công ty cực kì nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tạo như Apple cũng không thể tránh khỏi. Ví dụ như mẫu thiết kế của iPod Nano (đời 2012) được bắt chước từ máy nghe nhạc Samsung YP-P2 (2007), hay giao diện phần mềm máy tính trên iPhone lại được “sao chép” từ kiểu dáng của máy tính Braun ET44 được ra mắt từ năm 1977.

(Ảnh: Nerdreactor)

Chính nhờ những thế mạnh có được từ các thiết kế nguyên mẫu, Apple đã đem đến những tiện ích thiết thực mà không phải mất nhiều thời gian, công sức để “thỏa mãn” người dùng của mình. Rõ ràng, Apple và Steve Jobs đã làm rất tốt theo lời khuyên của danh họa Picasso: “Good artists copy, great artists steal” (Tạm dịch: Nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép còn nghệ sĩ vĩ đại thì đi... chôm).

Nhái game: cần lắm một cái nhìn tích cực - 01

Và còn rất nhiều ví dụ điển hình về sự thành công của các doanh nghiệp khi áp dụng chiến lược “bắt chước” để giúp mình thành công. Điển hình là Samsung khi từ một tên tuổi bị cho là "rẻ tiền", bằng chiến lược “bắt chước” Apple, Samsung đã trở thành thương hiệu toàn cầu và là đối thủ trực tiếp của Apple trên thị trường smartphone. Ấy vậy mà tại Việt Nam, nhất là trong ngành game, việc ra mắt các sản phẩm được phát triển dựa theo các tên tuổi nổi tiếng của các nhà sản xuất nội địa bị xem là nỗi ô nhục và lên án kịch liệt.

Và “nạn nhân” gần đây nhất chính là tựa game Thời loạn do VNG phát hành đầu tháng 11.2013. Thời loạn là webgame có cách chơi khá độc đáo so với hầu hết các sản phẩm webgame chiến thuật khác trên thị trường. Bằng gameplay đề cao tính tự do và không theo cốt truyện cứng nhắc, Thời loạn đem đến cho người chơi những trải nghiệm tuyệt vời về vai trò của một vị vua khi phải giải quyết các vấn đề sống còn của một quốc gia thực thụ. Tất nhiên, gameplay hoàn hảo như vậy khó có thể đến từ đội ngũ phát triển non trẻ trong nước, mà từ nước ngoài, cụ thể là từ tựa game kinh điển của Supercell – Clash of clans. Và đó cũng là lý do để game thủ ra sức miệt thị.

Nhái game: cần lắm một cái nhìn tích cực - 02 

Hay như Đại minh chủ, một sản phẩm do Emobi Games phát triển dựa theo một tựa game nổi tiếng của Trung Quốc, cũng phải nhận vô số “gạch đá” từ cộng đồng đến độ đại diện nhà sản xuất phải lên tiếng phân trần: “Studio không từ bỏ những động lực đã tạo nên Emobi Games, như Sát thát truyền kỳ là một minh chứng. Nhưng chúng tôi cần phải có nguồn thu để đội ngũ không tan rã”.

 

Đại minh chủ và Liên minh anh hùng

Từng có chung giấc mơ và đi trước Emobi khá lâu, nhưng VNG cũng đã phải tạm gác giấc mơ sản xuất những tựa game “khủng” để tập trung sản xuất các tựa game đơn giản nhằm kiếm doanh thu giúp duy trì đội ngũ phát triển và cũng là để học hỏi thêm kinh nghiệm. Liên minh anh hùng mới đây có thể được xem là một sản phẩm như vậy. Có thể thấy điều này qua phát biểu của ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG: “Quan điểm của rất nhiều người, trong cũng như ngoài ngành game ở Việt Nam, thì Sáng Tạo phải là tạo ra điều gì đó mới hoàn toàn chưa từng có ở bất kỳ đâu. Còn với bản thân VNG suốt chín năm qua, mọi hành động đều theo giá trị sáng tạo của riêng VNG, đó là tạo ra một sản phẩm, dịch vụ có đông người dùng và hữu dụng”.

Tồn tại để thực hiện giấc mơ” cũng là bài toán được đặt ra ở hầu hết các studio phát triển game Việt Nam, kể cả các studio được hậu thuẫn tài chính dồi dào như tại VNG. Vậy các game thủ có thực sự công bằng chưa khi cứ ra sức chê bai, miệt thị nhà sản xuất, thay vì ủng hộ và khuyến khích, hoặc ít ra là đưa ra những kiến nghị chân thành dành cho họ?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.