Nhàm chán, cẩu thả game show mùa dịch

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
07/11/2021 07:00 GMT+7

Hơn 5 tháng giãn cách vì dịch bệnh đã gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất chương trình giải trí , game show khi không thể tổ chức ghi hình tại trường quay. Họ đã phải cầm cự, ứng biến đủ mọi cách để có chương trình phát sóng.

“Ứng biến” một cách dễ dãi

Dù người xem vô cùng thông cảm trước khó khăn chồng chất của nhà sản xuất trong mùa dịch, nhưng rất đông khán giả đã phải lên tiếng trước tình trạng game show mùa dịch được thực hiện một cách dễ dãi. Trên các diễn đàn mạng, họ phản ánh sự cẩu thả, sơ sài về hình thức, hình ảnh quay; còn về nội dung thì nhiều khi nhà sản xuất cũng không có kịch bản gì hấp dẫn, cứ “ở nhà có sao thì quay nấy” hoặc nội dung trùng lặp kiểu chia sẻ suy nghĩ mùa dịch, thú vui tại nhà… hết chương trình này đến chương trình khác.

Khả Như với gameshow Ca sĩ bí ẩn phiên bản quay tại nhà

Thường thì các đơn vị sản xuất chương trình giải trí đều thực hiện việc ghi hình và phát sóng theo hình thức cuốn chiếu, nên nội dung quay sẵn chỉ được khoảng 2 - 3 tập để phát sóng. Vì thế, một số ít chương trình đã thông báo dừng sóng, như Nhóm nhảy siêu Việt (Vietnam’s Best Dance Crew) vừa qua cho biết “tạm dừng phát sóng và VTV3 sẽ phát lại các tập của những tuần trước”. Còn lại, các game show khác đều cố cầm cự bằng kiểu nghệ sĩ tự quay tại nhà, công ty giải trí thu về dựng lại rồi phát sóng.

Sàn đấu vũ đạo - cuộc thi nhảy dành cho 12 nghệ sĩ và 12 biên đạo, nhanh chóng thay đổi kế hoạch, từ giảm bớt số lượng đội dự thi, mỗi lần chỉ quay một đội để đảm bảo an toàn phòng dịch, cho đến chuyển sang ghi hình tại nhà. Trong các chương trình phát gần đây, nghệ sĩ và vũ công chia sẻ các câu chuyện hậu trường, tham gia một số thử thách nhỏ tại nhà mà ban tổ chức đề ra. Các chương trình khác như Nhanh như chớp, Thực khách vui vẻ, Tâm đầu ý hợp, Ông mai hẹn hò, Mẹ chồng nàng dâu, Bí kíp vàng, Ca sĩ bí ẩn, Lạ lắm à nha, Chuyện đó chuyện đây... đều phát sóng bằng các tập với hình ảnh nghệ sĩ tự ghi hình, kết nối với nhau qua video call. Cuộc thi Thần tượng đối thần tượng (The Heroes) trước khi có những tập mới quay hình tại trường quay không có khán giả cũng tổ chức cho nghệ sĩ tự quay tại nhà. Mỗi tập gồm những câu chuyện hậu trường, tính chất giống chương trình talk show (dù đây là show thi hát) với những chia sẻ, động viên cùng nhau vượt qua đại dịch, và lồng ghép một số bài hát do chính các thí sinh tự quay tại nhà. Có thể thấy tất cả những show này hình ảnh hiện ra không khác nào các cuộc nói chuyện phiếm qua màn hình điện thoại, hay như cuộc họp online qua room của những ai làm công sở trong mùa dịch.

Hình ảnh show Sàn đấu vũ đạo như một cuộc họp qua room chat

Nhà đài có thỏa hiệp cho lý do “ít tốn kém, sản xuất nhanh” ?

Diễn viên Khả Như - người thực hiện nhiều show tự quay hình tại nhà, chia sẻ: “Đúng là nếu phải sống chung với dịch bệnh và cứ quay tại nhà thì buộc nhà sản xuất phải tính đến phương án mới. Tuy nhiên, hiện chưa có nhà sản xuất hay game show nào có nội dung đột phá hơn. Tất cả đều tin rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời và rồi trường quay sẽ được mở lại để các chương trình giải trí hồi sinh sức sống như trước, hoặc sẽ có nội dung mới mẻ hơn nữa khi điều kiện quay hình thuận lợi hơn, cho phép ê kíp nhiều người hơn và cả khán giả cũng được có mặt để có không khí sôi động”.

Trong chương trình Nhanh như chớp, MC Trường Giang cũng nói vì anh bị cách ly tại nhà ở quê nên không có đủ đèn chuyên dụng để quay, thành ra khung hình bị tối khiến khán giả không hài lòng. Anh mong khán giả thông cảm cho thiếu sót này bởi: “Việc ghi hình tại nhà sẽ khó tránh khỏi việc không được chỉn chu, hoàn hảo như khi thực hiện ở phim trường”.

MC Ngọc Lan và Quốc Thuận quay hình Gõ cửa thăm nhà, tương tác với nhau bằng điện thoại

CHỤP MÀN HÌNH

Hiện tại, với tình hình mới, một số nhà sản xuất đã kêu gọi nghệ sĩ đến trường quay bắt đầu ghi hình game show để đáp ứng việc phát sóng, dù số lượng người đến quay không nhiều như trước. Nhưng để khán giả không chuyển kênh, chương trình tiếp tục đi xa hơn, có sự mới mẻ trong bối cảnh “bình thường mới” của xã hội, các game show cần tập trung xây dựng nhiều hơn ở khâu kịch bản, hình thức thể hiện để nội dung đặc sắc hơn, tránh gây nhàm chán cho khán giả. Tuy nhiên, một số game show khác thì lại cho rằng: “Vẫn có thể áp dụng mô hình sản xuất chương trình trực tuyến như trong thời gian giãn cách xã hội, vì ê kíp vẫn có người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin, và ai cũng thấy quay hình tại nhà ít tốn kém cho khâu sản xuất như về đèn đóm, thiết kế cảnh trí trường quay, phục vụ hiện trường…, cũng như tốc độ sản xuất nhanh, gọn lẹ, nghệ sĩ gửi hình ảnh tự quay xong thì dựng thôi”, lời một người trong ê kíp của công ty K. (xin giấu tên) chia sẻ riêng.

Khán giả Quốc Khánh - cũng là một người từng làm khâu sản xuất game show trong một công ty giải trí, nay đã nghỉ việc vì dịch, nêu ý kiến: “Ở nhà thời giãn cách, xem show giải trí nhưng đa số mọi người không thấy thư giãn gì, mà chỉ thấy sự luộm thuộm đến mức xem nhẹ trình độ thưởng thức giải trí của khán giả từ nhà sản xuất. Ấy vậy mà các đài truyền hình vẫn nghiệm thu, nhận những băng ghi hình thiếu chất lượng như thế để phát sóng, lại chèn quảng cáo quá nhiều vào show để thu lợi nhuận đều đều. Vì thế, cũng nên đặt ra vấn đề: Trách nhiệm của các đài truyền hình ở đâu khi bán sóng cho các công ty tư nhân và thiếu sự giám sát chặt chẽ, nên mới để lọt những sản phẩm kém chất lượng liên tục phát hơn 5 tháng qua trên sóng?”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.