Đến ngày 23.12 vừa rồi thì Bộ trưởng Tư pháp phải chính thức lên tiếng thừa nhận khuyết điểm vì “đã máy móc khi thẩm định văn bản”.
Trên thực tế, chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, một loạt các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chức năng được ban hành nhưng nhanh chóng phải đình hoãn, sửa đổi, hoặc gây phiền phức, thiệt hại cho người dân như quy định chuyển đổi vàng miếng khác thành vàng SJC; thu phí bảo trì đường bộ; ghi tên cha mẹ lên CMND; dự kiến dùng ngân sách để trả nợ xấu thay cho các ngân hàng thương mại... Đó là chưa kể rất nhiều đề xuất thuộc hàng “tối kiến” đã kịp thời được ngăn chặn, như thu phí phương tiện cá nhân... Rất đáng tiếc, hầu hết những chính sách tồi tệ cần sửa đổi đó khi mới ra chủ trương đã được dư luận đóng góp ý kiến rất nhiều nhưng không ai nghe, cứ “nhắm mắt làm liều”.
Có thể nói rằng, chất lượng ban hành chính sách đang thật sự là vấn đề cần quan tâm; quá trình thu thập ý kiến, tiếp nhận thông tin phản hồi đang là điểm yếu của các cơ quan quản lý. Trong khi để có một chính sách phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, khâu quan trọng nhất chính là điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu từ thực tế làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hình thành các chính sách, các quy định phù hợp. Nhưng dường như quy trình này chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều quy định tác động đến đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân và hộ gia đình được những người soạn thảo thú nhận rằng, nó được viết ra trong “phòng máy lạnh”, bởi những báo cáo cắt ghép.
Ông Bộ trưởng Tư pháp lên tiếng nhận lỗi chuyện để lọt văn bản vi hiến là coi như xong chuyện! Nhưng chẳng thấy ai nhận trách nhiệm về việc “thí điểm” cấp CMND mẫu mới đang gây bao phiền phức, đảo lộn cuộc sống người dân và tốn kém tiền bạc của xã hội. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khi đuối lý trước những phản biện của người dân và doanh nghiệp về phương thức thu phí bảo trì đường bộ bất hợp lý đã chẳng ngần ngại: “Sau 3, 6 tháng cho đến 1 năm thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tiễn nảy sinh, chúng tôi sẽ chỉnh sửa, bổ sung” (TP.HCM, ngày 19.12.2012).
Thử hỏi, cuộc sống của người dân sẽ khổ biết nhường nào nếu cứ tiếp tục trở thành vật “thí nghiệm” bất đắc dĩ cho những quyết sách vô trách nhiệm như thế?
Cần hạn chế tối đa những chính sách đã ban hành rồi mà phải dừng lại, hoãn thời gian thực thi, bởi nó bộc lộ sự tùy tiện, cẩu thả, sự thiếu nghiêm túc của hệ thống pháp luật. Người dân sẽ không còn tin vào sự dẫn dắt, điều hành của chính quyền. Và mất niềm tin của dân là thiệt hại lớn nhất.
An Nguyên
Bình luận (0)