Ông chủ nói trên là ông Quách Trọng Trí (70 tuổi), cựu Giám đốc Nhà máy Van tổng hợp Trùng Khánh (Trung Quốc).
Nhà máy đó được thành lập vào năm 1971 với lực lượng lao động lên tới hơn 400 người vào thời kỳ đỉnh cao, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 20.7.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế buộc nhà máy phải đóng cửa vào năm 2000 và cơ sở này bị giải tỏa vào năm 2018 theo kế hoạch thu hồi đất của thành phố Trùng Khánh.
Đến tháng 3.2023, ông Quách nhận được 7,7 triệu nhân dân tệ tiền bồi thường cho vụ nhà máy bị phá hủy. Ông tin rằng mọi nhân viên cũ, dù đã nghỉ hưu, nghỉ việc hay đã qua đời, đều xứng đáng được chia phần từ số tiền bồi thường.
Sau nhiều cuộc họp, quyết định được đưa ra là chia tiền bồi thường thành hai phần, 35% cho những nhân viên cũ và 65% cho những người vẫn làm việc ngay trước khi nhà máy đóng cửa. Số tiền sau đó được chia thêm dựa trên thời gian làm việc tại nhà máy của mỗi người.
"Giai đoạn đó vô cùng căng thẳng. Đêm nào tôi cũng gần như mất ngủ, chỉ ngủ được 1 tiếng là thức dậy. Tôi đã mất khoảng 3 kg trong nửa tháng", ông Quách nhớ lại.
Tìm kiếm những nhân viên đã nghỉ việc, nghỉ hưu và qua đời là việc vô cùng khó khăn vì nhà máy đã đóng cửa từ lâu.
Ông Quách đã áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để truy tìm họ, như đăng thông báo "người mất tích" trong cộng đồng và đề nghị cảnh sát cung cấp thông tin liên lạc. Ông cũng đã liên hệ với nhiều cơ quan truyền thông và việc này đã giúp ông tìm được khoảng 20 người.
Một cựu nhân viên bị bệnh nan y và đã nhận được số tiền bồi thường được ông Quách chia ngay trước khi bà qua đời. "Mẹ tôi bị ung thư và không còn nói được nữa. Ba tôi mang tiền mặt đến giường bệnh của bà để bà yên tâm. Mẹ tôi đã qua đời vài ngày sau khi nhận được tiền bồi thường. Gia đình tôi thực sự biết ơn Giám đốc Quách", con trai của bà nói.
Ông Quách đã lập danh sách phân chia tiền bồi thường cho 406 nhân viên, trong đó có 371 người đã nhận được tiền.
Đối với 35 người còn lại vẫn chưa được xác định danh tính, ông Quách đang nhờ đến sự trợ giúp của giới truyền thông. "Mọi thứ đã sẵn sàng cho những nhân viên này, chúng tôi chỉ chờ họ đến trình diện, ký tên và nhận tiền", ông Quách nói.
Việc ông Quách chia tiền bồi thường nói trên đã được cộng đồng mạng tại Trung Quốc khen ngợi hết lời. "Những người khác sẽ tìm cách tránh phân chia tiền, nhưng ông ấy đã tìm đến sự giúp đỡ từ giới truyền thông để xác định nơi ở của nhân viên và phân phát tiền cho họ. Ông ấy thực sự đáng được kính trọng", một cư dân mạng viết, theo SCMP.
Bình luận (0)