Nhân bản chuột từ tế bào đã chết

06/11/2008 11:32 GMT+7

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa nhân bản vô tính thành công 4 con chuột từ tế bào của một con chuột mẹ đã chết được làm đông lạnh. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học làm sống lại được những tế bào đã chết hoàn toàn. Thành tựu này mở ra một tia hy vọng cho việc phục hồi các loài động vật đã bị tuyệt chủng lâu nay, ví dụ như voi ma mút.

Theo nhóm nghiên cứu, đầu tiên họ chiết xuất các tế bào não của một con chuột mẹ được đông lạnh ở âm 20 độ C trong suốt 16 năm. Khi các tế bào được làm đông lạnh và không sử dụng chất bảo quản đặc biệt nào, chúng bị các tinh thể đá phá hủy và chết. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tách một số ADN từ các tế bào chết và sử dụng chúng để tạo phôi vô tính, sau đó dùng phôi vô tính để tạo tế bào phôi. Cuối cùng, họ đã nhân bản được 4 con chuột có cùng ADN với chuột mẹ đã chết.

Phương pháp nhân bản vô tính động vật trên thế giới được thực hiện lần đầu tiên trên ếch vào năm 1962. Đến năm 1996, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính thành công con cừu Dolly ở Anh, sau đó là bò và heo. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu nhân bản vô tính đều sử dụng tế bào từ động vật còn sống hoặc các tế bào sống được đông lạnh.

Theo Sciencedaily , NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.