Nhận biết dấu hiệu bệnh than

Liên Châu
Liên Châu
04/06/2023 04:31 GMT+7

Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả, ít khi xảy ra tử vong.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5 - 30.5 trên địa bàn H.Tủa Chùa (Điện Biên) ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch), xã Xá Nhè (2 ổ dịch), hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tất cả các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu bò.

Theo Bộ Y tế, bệnh than thuộc nhóm B trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương mồm - họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa.

Nhận biết dấu hiệu bệnh than - Ảnh 1.

Nhận biết dấu hiệu bệnh than - Ảnh 2.

Một trong những triệu chứng của bệnh than là vết thương xuất hiện trên da có màu đen

Tư liệu BV Medlatec

Ở thể da, chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm. Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất.

Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não.

Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả, ít khi xảy ra tử vong.

Bệnh lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Bệnh than cũng lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh.

Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương. Bệnh than thể ruột và thể mồm - họng là do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn. Không có bằng chứng về việc lây truyền bệnh than từ sữa động vật nhiễm khuẩn.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 2.6 đã gửi Công văn số 616/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với ca bệnh nhằm dự phòng và điều trị kịp thời; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, không sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.