Nghiện mua sắm và trầm cảm
Phát biểu tại tọa đàm truyền thông về sức khỏe tâm thần về nghiện internet do Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức chiều nay 24.7, tại Hà Nội, thạc sĩ tâm lý Đặng Thị Hải Yến (Viện Sức khỏe tâm thần), nghiện mua sắm có thể gặp ở nữ giới, thường là nữ trung niên.
Người nghiện mua sắm có các biểu hiện như: tăng nhu cầu mua sắm nhưng thường liên quan chi tiêu vượt khả năng chi trả hoặc sử dụng thẻ tín dụng dẫn đến mắc nợ, vượt quá khả năng chi tiêu.
Nghiện mua sắm thường gặp ở người có tâm lý không ổn định, có liên quan trầm cảm, lo âu. Thông thường, các hành vi nghiện mua sắm chỉ can thiệp tâm lý, bệnh nhân ngoại trú chứ không phải nhập viện điều trị.
Để can thiệp, các chuyên gia tâm lý có thể trao đổi, tạo động lực, giúp họ trả nợ nần, tái cấu trúc nhận thức thay đổi hành vi.
Ví dụ, khi mua sắm, cá nhân đó sẽ để món đó vào giỏ hàng và chờ thêm thời gian để cân nhắc, quyết định mua (có thể sau 7 ngày) để chắc rằng chỉ mua khi thực sự cần; khi mua một món đồ cần bỏ đi một món tương ứng không sử dụng, chứ không mua ngay lập tức, thậm chí vay mượn để mua như trước đó. Hoặc như nhiều bạn trẻ hiện nay quẹt thẻ tín dụng để mua, chi tiêu trước, trả tiền sau.
Các liệu pháp cần áp dụng can thiệp là khi bệnh nhân tăng chi tiêu mà không ý thức về những nợ nần.
"Tuy nhiên, trước khi điều trị tập trung điều chỉnh hành vi tiêu dùng, mua sắm, cần tập trung giải quyết các bệnh lý khác trước. Ví dụ như, người đó có thể có các bệnh lý về trầm cảm, lo âu. Các bệnh lý này cần được điều trị trước, còn hành vi tiêu dùng sẽ điều trị sau", bà Hải Yến cho biết.
5 nhóm nghiện internet
Phát biểu tại tọa đàm, bác sĩ Bùi Nguyễn Bảo Ngọc (Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần) chia sẻ, nghiện internet ngày càng gặp nhiều hơn.
Nghiện internet được xếp vào nghiện hành vi, chia 5 nhóm. Thứ nhất là nghiện tình dục trên mạng. Thứ hai là nghiện quan hệ trên mạng. Điều này xảy ra ở những người tham gia quá nhiều vào các mối quan hệ trực tuyến hoặc có thể ngoại tình ảo. Các mối quan hệ trên mạng trở nên quan trọng hơn các mối quan hệ ngoài đời thực, có thể dẫn đến bất hòa trong hôn nhân, gia đình bất ổn.
Thứ ba là cưỡng bức thuần túy (cờ bạc trực tuyến, mua sắm hoặc giao dịch chứng khoán… có thể dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể, cũng như sự gián đoạn quan hệ và công việc).
Thứ tư là quá tải thông tin (tạo ra một loại hành vi bắt buộc mới liên quan đến việc lướt web và tìm kiếm dữ liệu quá mức). Những cá nhân này dành một lượng thời gian không cân xứng để tìm kiếm, thu thập và tổ chức thông tin.
Thứ năm là nghiện game. Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game gây suy giảm về kết quả học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game...
Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết thêm, nghiện internet có thể gặp ở các lứa tuổi. Trong đó, nghiện game thường gặp ở người trẻ 13 - 17 tuổi, sau đó tiến triển theo thời gian và nặng dần lên nếu không được điều trị.
Trường hợp nghiện cờ bạc online có thể gặp ở nam thanh niên, trung niên. Còn ở nữ giới có thể gặp các trường hợp nghiện mua sắm online.
Bình luận (0)