Nhận chìm bùn thải ở biển Vĩnh Tân: Tạm dừng nếu các chỉ số vượt giấy phép

07/07/2017 16:03 GMT+7

Khi thi công nếu các chỉ số vượt so với giấy phép thì cả Viện Hải dương học Nha Trang, Sở TN-MT Bình Thuận và Đoàn công tác của Bộ đều có thể ra quyết định tạm dừng thi công ngay.

Sáng 7.7, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xung quanh việc Bộ này cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét ở Vĩnh Tân.
Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sáng nay 7.7- QUẾ HÀ
Lần đầu tiên cho nhận chìm trên biển
Tại cuộc làm việc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Phạm Ngọc Sơn, cho rằng việc Bộ TN-MT cấp phép nhận chìm này là hoàn toàn đúng luật. Ông Sơn nói: “Vật, chất được nhận chìm hoàn toàn không sinh ra trong quá trình nạo vét mà nó được nạo vét từ chỗ này đem sang chỗ khác nhận chìm”. Cũng theo ông Sơn, khi ĐTM (đánh giá tác động môi trường) đã được phê duyệt, đã đủ điều kiện cấp giấy phép này.
“Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một giấy phép cho nhận chìm trên biển, nên Bộ TN-MT đã thận trọng lấy ý kiến từng cơ quan, các nhà khoa học suốt một năm qua mới cấp phép. Để tránh tác động đến khu vực biển Hòn Cau, Bộ chỉ cho phép thực hiện đến tháng 10 phải chấm dứt, tức làm vào mùa gió nam, không được làm khi gió đông bắc đã về", ông Sơn nói. 
Ông Trần Liên Thanh, Tổng giám đốc và ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, cho biết một số biện pháp trong thi công mà công ty sẽ làm. Theo đó, vị trí nhận chìm có mật độ loài cá thưa hơn so với khu vực Hòn Cau. Công ty này đã chuẩn bị loại màng chắn để thả xuống biển, tránh dòng nước chảy đục ảnh hưởng đến vùng biển nhiều cá mà bà con đánh bắt và nuôi trồng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Phạm Ngọc Sơn (đứng) cho rằng giấy phép nhận chìm là đúng luật- QUẾ HÀ
Lo ngại ô nhiễm
Ông Phạm Sỹ Hoàn, Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết Viện sẽ có cán bộ giám sát độc lập suốt quá trình thi công nhận chìm. Nội dung giám sát gồm: giám sát hành trình vận chuyển, vị trí nhận chìm; vật, chất nhận chìm và những dấu hiệu bất thường nếu xảy ra, có đúng như giấy phép không. Ông Hoàn yêu cầu chủ đầu tư phải gắn tất cả thiết bị giám sát hành trình GPS và các thiết bị quan trắc khác trên các phương tiện thi công.
Trong khi đó, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận lo ngại quá trình triển khai có khả năng nước sẽ đục, ảnh hưởng đến các hộ dân nuôi tôm vì họ bơm nước biển để nuôi. Ông Lâm đề nghị phải có phòng giám sát cộng đồng để người dân tự giám sát cùng với các cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND H.Tuy Phong cũng băn khoăn: “Quá trình thi công nhận chìm, chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến môi trường biển. Do vậy đề nghị chủ đầu tư phải làm một cách nghiêm túc, nghĩ đến cuộc sống người dân địa phương nhằm giảm thiếu thấp nhất các hệ lụy về môi trường nếu có thể xảy ra”.
Chủ tịch UBND H.Tuy Phong còn đề nghị không chỉ có các trạm quan trắc biển, mà phải đặt thêm nhiều điểm quan trắc trong bờ, vì trong bờ có nhiều hoạt động kinh tế khác.
Tổng giám đốc Vĩnh Tân 1 (áo trắng, đứng bên trái) và Phó tổng giám đốc Phan Ngọc Cẩm Thành báo cáo phương án đảm bảo an toàn khi thi công nhận chìm- QUẾ HÀ
Ông Trương Ngọc Giao, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Hòn Cau, cho rằng: “Vị trí nhận chìm sau này sẽ có một lớp bùn cát có thể cao tới 6-7m. Đây lại là vùng nước trồi đặc biệt. Khi nước trồi lên, chảy đi theo dòng, sẽ mang theo bùn cát sang khu biển khác. Do vậy, sau khi thi công xong đề nghị phải đánh giá lại xem Hòn Cau ảnh hưởng tới mức nào, chứ không phải làm xong rồi thôi”.
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Thuận đề nghị phải đảm bảo rằng trong vật chất, nạo vét không có chất phóng xạ và phải giám sát cả chất nạo vét.
"Hòn Cau như một công viên"
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, cho biết đây là lần đầu tiên có một giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận kể từ khi luật Biển và hải đảo đi vào cuộc sống, nên người dân quan tâm là đúng. Ông Hai yêu cầu phải đặt thêm ít nhất 10 vị trí quan trắc nữa, cả trong bờ và trên biển.
Ông Nguyễn Ngọc Hai ví von: “Hòn Cau đối với người dân Tuy Phong cũng như công viên vậy. Quan điểm của tỉnh phát triển kinh tế là quan trọng nhưng phải chú trọng đến cuộc sống của người dân và không để ô nhiễm môi trường”.
Ông Hai cho rằng, câu chuyện lâu dài của Khu nhiệt điện Vĩnh Tân là phải được đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐCM) toàn vùng và đưa vào diện giám sát đặc biệt cấp quốc gia.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc ghi nhận các kiến nghị trên. Ông Ngọc nói: “Bộ TN-MT không buông lỏng vấn đề bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm trước dân và Chính phủ trong việc này”.
Ông Ngọc cho biết, khi thi công nếu các chỉ số vượt so với giấy phép thì cả Viện Hải dương học Nha Trang, Sở TN-MT Bình Thuận và Đoàn công tác của Bộ đều có thể ra quyết định tạm dừng thi công ngay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.