Nhân chuyên đề văn hóa cổ động: Vỗ tay cũng cần chuyên nghiệp

02/02/2010 10:42 GMT+7

Sau khi TNTT> đăng loạt bài về Văn hóa cổ động, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc, trong đó có đề cập những chuyện “cần phải bàn” về việc cổ động, cổ vũ ở những lĩnh vực khác ngoài thể thao. Bài viết hôm nay sẽ tập trung vào vấn đề cổ vũ của khán giả khi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật. >> Sắc màu cổ động

Nói đến cổ vũ khi xem ca nhạc người ta thường nghĩ đến những tràng pháo tay, những tiếng huýt sáo, những làn sóng người dập dìu theo nhạc giúp ca sĩ, vũ đoàn biểu diễn hăng hái hơn và thể hiện hết mình hơn. Thế nhưng điều này xem ra khá hiếm ở những show ca nhạc thông thường, mà chỉ thấy ở live show của các ca sĩ tên tuổi.

Ở live show Sóng đa tần của ca sĩ Mỹ Tâm(9.2008), ngay từ trước giờ diễn hàng tiếng đồng hồ đã có rất nhiều fan tụ tập ở sân vận động Tao Đàn. Trong suốt buổi biểu diễn, cho dù mưa tầm tã tất cả mọi người đều ở lại, đội mưa cùng reo hò, cổ vũ, nhún nhảy và hát theo thần tượng, khiến Mỹ Tâm như được tiếp thêm sức, càng hát càng hăng. Điều tương tự cũng từng diễn ra trong Mưa Show (2.2008) của Phương Thanh.

Thế nhưng, ở các sự kiện âm nhạc khác, nhất là những chương trình trong danh sách ca sĩ biểu diễn không có nhiều “sao”, sự "im hơi lặng tiếng" của khán giả bao trùm phần lớn thời gian chương trình diễn ra. Khán giả của các show ca nhạc thường là giới trẻ, từ 15 đến 25 tuổi. Những tưởng họ phải là những khán giả nhiệt thành hơn ai hết, thế nhưng các bạn chỉ  lo cổ vũ cho thần tượng của họ, còn những ca sĩ khác thì họ chẳng buồn vỗ tay, thậm chí họ còn gào tên ca sĩ thần tượng của mình trong khi khi ca sĩ hát trước đó còn chưa kết thúc phần biểu diễn của mình. Một người bạn làm khâu tổ chức các sự kiện âm nhạc ở công ty Cát Tiên Sa cho biết, trong các chương trình như Album Vàng, Bài hát Việt, Hòa nhịp bạn trẻ… mỗi ca sĩ thường được tặng từ 40-80 vé mời để họ phát cho các fan của mình đến xem và cổ vũ. Điều dễ nhận thấy là fan của ca sĩ nào thường chỉ cổ vũ cho mỗi ca sĩ đó, vì vậy khi đến phần trình diễn của ca sĩ trẻ có số lượng fan ít hoặc phần biểu diễn của các ca sĩ nước ngoài chương trình sẽ lắng hẳn xuống, trông rất… buồn. Để khắc phục tình trạng này, phía nhà tổ chức buộc phải thuê đội cổ động ở các trường trung học với giá từ 30.000- 50.000 đồng/người để chắc chắn rằng tất cả các ca sĩ đều được cổ vũ “ngang nhau” và cũng để khi được truyền hình trực tiếp chương trình trở nên sinh động hơn.

 Tràng pháo tay của khán giả giúp lấy lại công lực còn hơn cả "uống bò húc"

Người viết có lần đi nghe hòa nhạc ở Malaysia, có phần trình diễn saxophone của nghệ sĩ Kenny G. Ánh đèn vừa chiếu vào Kenny ở phía cuối hàng ghế khán giả, lập tức hàng nghìn người đứng bật dậy, ngoái cổ về phía sau nhìn thần tượng đang dần tiến về phía mình, tay giơ cao và reo hò inh ỏi. Từng làn sóng cánh tay người hướng về phía thần tượng, nhưng khi tiếng kèn vang lên, những tiếng reo hò nhỏ dần và im hẳn. Cả khán phòng rộng lớn với sức chứa hơn 3.000 người bỗng im ắng, chỉ còn tiếng saxo vang lên mạnh mẽ và tha thiết. Bài nhạc vừa kết thúc, lập tức những tràng pháo tay lại rộ lên, nhiệt tình hơn trước. Điều này dường như rất khác so với đi nghe hòa nhạc ở Sài Gòn. Người viết đã nhiều lần đi nghe các buổi hòa nhạc ở nhạc viện thành phố do những nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước biểu diễn, nhưng chưa bao giờ thấy được sự cổ vũ nhiệt tình như vậy. Những tiếng vỗ tay trước khi màn biểu diễn bắt đầu, và sau khi nó kết thúc gần như giống hệt nhau, không thể cảm nhận được tình cảm của người nghe trong những tràng pháo tay đó. Nó rất lịch sự, đúng nhịp và… đều đều.

Điều tương tự cũng xảy ra ở các sân khấu kịch. Khoảng vài năm trước đây, ngoại trừ những show tấu hài, ở những vở kịch, đặc biệt là chính kịch, khán giả luôn vỗ tay rất lịch sự khi các diễn viên bắt đầu, hoặc kết thúc cảnh, còn lại phần lớn thời gian là sự im ắng, buồn bã, đến… buồn ngủ.

Một số diễn viên chính kịch ở Hà Nội tâm sự, nếu sau một số màn diễn hay mà được nhận tràng pháo tay của khán giả thì họ lấy lại công lực còn hơn cả “uống bò húc”.

Khi xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật, dù là nhỏ như ở phòng trà hay lớn như ở sân vận động, việc cổ vũ luôn là để thể hiện sự trân trọng của người xem, người nghe đối với người biểu diễn. Có thể nói những khán giả Việt trẻ mặc dù trong tâm tưởng có sự nhiệt tình đấy, nhưng cách thể hiện chưa được chuyên nghiệp.

Mỗi loại hình biểu diễn nghệ thuật đòi hỏi cách cổ vũ khác nhau, như đi nghe hòa nhạc thì không thể la hét rào rào như khi đi xem rock, xem kịch thì không thể hát theo như khi xem ca nhạc. Nhưng nói chung, tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả luôn là liều thuốc tinh thần rất lớn cho những người biểu diễn.

Vỗ tay đúng lúc, đúng chỗ, đúng người còn là cách để người biểu diễn hiểu được mình đã làm được tới đâu để tránh sự ngộ nhận và để có thể biểu diễn tốt hơn ở những lần diễn sau.

* Lần đầu khi tham gia vai Thích, cô gái làm tiền trong vở Tỷ phú ổ rác Châu rất hồi hộp vì đây là một vai hài, mà nếu diễn không có duyên sẽ rất dễ bị “phô”. Đêm diễn phúc khảo, dù đã cố gắng hết sức nhưng Châu rất buồn vì khán phòng im lặng quá làm Châu nghĩ mình diễn dở nên chẳng ai cười. Nhưng ở đêm công diễn đầu tiên, mỗi lần Châu “tung chiêu” thì khán giả lại cười sảng khoái và vỗ tay nhiệt tình. Càng diễn càng hăng, cứ mỗi lần diễn xong, vào trong cánh gà Châu lại nảy ra nhiều mảng miếng mới. Thành ra trước khi bước ra sân khấu Châu hay phải báo trước với bạn diễn rằng: “Lát ra tui nói thêm câu này nha…”. Diễm Châu (Người mẫu, diễn viên) 

* Hòa nhạc ở Việt Nam, cứ hễ nghe thấy hợp âm “pam pam pam”, là khán giả vỗ tay mà không cần biết khúc nhạc ở đoạn nào. Đó là sự chưa chuyên nghiệp. Hơn nữa văn hóa người Á Đông thường rất ít khi bày tỏ cảm xúc, nên người diễn viên rất khó đoán biết được tình cảm của họ trong cách vỗ tay. Diễn hay, hay dở thì tiếng vỗ tay cũng gần giống nhau. Tuy nhiên một điều vui là trong những năm gần đây cách cổ vũ của khán giả cũng đã thay đổi nhiều. Ở những tiết mục hay, họ tán thưởng rất nhiệt tình bằng những tràng pháo tay kéo dài, và liên tục. Điều đó làm tôi nhớ lại hồi năm 1986, khi đó tôi còn là sinh viên năm 2 của Nhạc viện Tchaikovsky ở Nga. Trong chương trình biểu diễn lần đó chỉ duy nhất tôi là người nước ngoài. Lúc tôi bước ra khán giả chỉ vỗ tay kiểu xã giao không được nhiệt tình cho lắm. Nhưng sau khi tôi diễn xong họ vỗ tay nhiệt tình đến nỗi phải ra chào đến 3 lần. Những tràng pháo tay như thế là nguồn động viên rất lớn cho người biểu diễn. Hoàng Điệp (Nghệ sĩ ưu tú, Nhạc trưởng) 

* Lực vẫn thường xuyên đi xem các show ca nhạc ở TP.HCM, thấy các bạn khán giả vẫn còn khá thụ động trong cách cổ vũ. Thường thì chỉ những fan ruột của các ca sĩ mới cổ vũ nhiệt tình bằng cách vỗ tay, nhún nhẩy, hát theo, hoặc hô to tên ca sĩ thần tượng của mình, còn những bạn khác thì chỉ ngồi nghe. Riêng Lực thì khi đi xem show của các ca sĩ như Phương Thanh, hoặc những show ca nhạc có nhiều ca sĩ hay Lực cũng cổ vũ, cũng reo hò nhưng không quá nhiệt tình như khi xem show của Mỹ Tâm. Vì là fan ruột của Mỹ Tâm nên mỗi lần xem show của chị Tâm thì hễ còn sức là còn hát, còn nhún nhảy theo. Nhớ lần đi xem live show Sóng đa tần, Lực và các bạn nhảy nhót, hát theo gào thét đến khi mệt lả, tắt tiếng mới thôi. Trần Nghị Lực (21 tuổi, sinh viên) 

* Trước đây, tôi thường đi xem chương trình Bài hát Việt, vì đây là chương trình quy tụ nhiều ca sĩ giỏi, dàn dựng công phu. Tôi cũng không hiểu sao mặc dù ca sĩ hát rất nhiệt tình, bài hát cũng rất hay, nhưng sau khi kết thúc khán giả chỉ vỗ tay lấy lệ. Có phải vì đây là những bài hát mới, họ chưa thấu hiểu lắm nên chưa thấy “đã” để có thể vỗ tay khen? Riêng tôi, tiêu chí vỗ tay rất đơn giản: ca sĩ hát hay, có sự tôn trọng khán giả thì tôi luôn vỗ tay cổ vũ, mặc dù đôi lúc thấy tiếng vỗ tay của mình lẻ loi làm sao. Có nhiều chương trình, ban đầu khán giả vỗ tay cũng khá nhộn nhịp, nhưng càng về sau, có lẽ do … mỏi tay nên tiếng vỗ tay thưa dần, lúc đó, tôi thấy thật buồn cho những người biểu diễn vào giờ cuối.  Cao Thùy Linh ( 23 tuổi, nhân viên sở du lịch)

Lê Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.