Nhàn đàm: Cỏ và tôi

11/09/2022 08:30 GMT+7

Nếu có một điều ước, tôi muốn trở thành người nghiên cứu về cỏ dại, mong muốn có thể hiểu biết nhất về tất cả các loại cỏ, tìm kiếm vẻ đẹp dịu dàng và sức mạnh nơi cỏ.

Đi bất cứ nơi đâu, tôi cũng tìm vẻ đẹp của những cây cỏ, tươi xanh nhất trong sự tươi xanh. Không phải ngẫu nhiên Trịnh Công Sơn cũng tìm về cỏ mỗi khi chiêm nghiệm về bản thân.

“Đời ta có khi tựa lá cỏ

Ngồi hát ca rất tự do” (Đêm thấy ta là thác đổ)

Ông cũng có khi nói đến cỏ là chiêm nghiệm về thân phận người:

“Sống chết mong manh

Như thân cỏ hèn

Mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu)

Cỏ thực sự bé nhỏ mà kết nối thành đường chân trời xanh ngắt…

Rồi người ta thấy cần phải “diệt cỏ” để làm ra cho con người cái ăn. “Diệt cỏ” là cái gì đó khủng khiếp nhất của hành tinh này mà ta đã từng làm, một cách coi thường, bạc bẽo, vô ơn với cỏ.

Giờ đây đến Tây nguyên, tôi thấy đến cỏ cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của tự nhiên mà con người gây ra. Nhiều bông hoa cỏ bị rầy ăn đến cháy khô đen.

Có người sẽ trách tôi, sao không thương những hạt cà phê, hạt tiêu… mà thương những bông cỏ làm gì?

Thực ra, đó là ngưỡng cuối cùng để ta nhận biết cách canh tác ở một số nơi không thân thiện với môi trường đã làm cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh đến nỗi sức mạnh của cỏ đầy núi non cũng bị ảnh hưởng.

Người ta hay ví cỏ gắn với thân phận yếu thế, mong manh, thực sự thì cỏ đầy sức sống nhưng cần được sống trong hệ sinh thái tự nhiên.

Sẽ không có gì thừa đối với thế giới này, như người ta hay ví “ruột thừa” cũng có chức năng, không phải vô dụng.

Trở lại cách ứng xử với thiên nhiên, bạn hãy đọc lại cuốn sách mà trong đó có câu chuyện rất đẹp: Cuộc cách mạng một cọng rơm - cuốn sách của một nông dân Nhật Bản (đoạt hai giải tại giải Sách hay 2016). Những triết lý trong đó có thể trở thành phương châm cho hành trình tìm kiếm bình yên của chúng ta.

Cuộc cách mạng một cọng rơm không phải là bản báo cáo kết quả của một nghiên cứu, đó là kết quả của hàng thập niên theo đuổi triết lý nông nghiệp tự nhiên, là câu chuyện cuộc đời của Fukuoka với những kết quả có thật. Ông đã từ bỏ công việc của một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, trở lại quê nhà, bắt đầu lại nghề nông giữa đất và trời và gắn bó với nông trại suốt phần đời còn lại. Trong cả đời làm nông, ông không dùng phân hóa học hoặc phân ủ, không làm cỏ bằng việc cày xới hay dùng thuốc diệt cỏ, hoàn toàn không phụ thuộc vào hóa chất.

Có một cách khác để có cái ăn, mà cỏ không phải là thứ để chúng ta diệt.

Cũng giống như thân phận chúng ta, cỏ cần được sống chan hòa và hạnh phúc nở hoa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.