Nhàn đàm: Giỗ quảy miền quê

03/07/2022 08:30 GMT+7

Đầu tháng 6 vừa qua tôi có lịch bay đi du lịch Bolivia. Vé book mấy tháng trước. Sau này ngồi coi lịch âm mới biết trùng ngày giỗ ba. Hai năm dịch bệnh, hứa hẹn bao lần cũng không thể về quê làm mâm cơm cúng viếng.

Thế là trong một ngày ngắn ngủi, tôi đã mua vé, thu dọn đồ đạc, lên máy bay về quê trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.

Ba mất vào cuối tháng 4 âm lịch nắng nóng kinh hoàng. Chị em tôi khóc ngất, vội vàng mua vé đắt kinh hoàng để về đưa tiễn ba lần cuối. Mười mấy năm dâu bể, cái nóng của Ninh Hòa vẫn chưa hề dịu bớt, mà ngày một dữ dội, khô khốc hơn. Ngồi trong nhà thôi, trận gió Nam thổi vô đã muốn le lưỡi. Nhưng không vì thế mà ngày giỗ của ba mất đi phần ấm cúng, thương yêu.

Hồi tôi rời quê hai mươi hai năm trước, giỗ quảy, cưới xin hay cúng đình luôn là ngày nhộn nhịp để bà con, cô bác từ khắp nơi tìm về chung tay nấu nướng, ăn uống, rồi ôn lại bao chuyện đời xưa cũ. Giờ ít ai nhớ tới cúng đình và những đêm hát bội tới sáng năm xưa. Đám cưới cũng chẳng mấy ai đãi ở nhà. Không thức đêm hôm làm bánh xu xê, nấu xôi bảy màu, kẹo đậu xanh cho con nít. Có ít hay nhiều tiền, cứ mang một cục ra nhà hàng nhờ họ nấu nướng, đãi đằng cho gọn. Nhưng đám giỗ vẫn còn đọng lại bao chan chứa ân tình. Dẫu cháu con đi muôn phương ngàn nẻo làm ăn, cũng ráng tìm về tưởng nhớ.

Mấy ngày trước, chị tôi đã ra chợ mua thịt thà, gà qué, cua que hột tợ với rau củ, bông hoa, trái cây với chuối để sẵn dưới nhà. Từ sáng sớm, mấy anh chị em tôi đã ra chái hè, quây quần, mỗi người một tay, nấu những món ngon ngày xưa ba thích như cá trầu um, thịt thưng, cà ri gà, nem nướng và ít thịt heo quay chưng lên bàn thờ… để mong ba má ở cõi nào xa vời bay về thưởng thức. Bạn bè ba tôi giờ còn lại không bao nhiêu người. Nhưng nghe chị mời, cũng tranh thủ vô, ăn bữa trưa, uống lon bia, kể ít chuyện ngày xưa thương nhớ.

Ngoài mấy món mặn, đám giỗ ở quê luôn có thúng bánh ngọt để tặng bà con mang về ăn chơi. Bánh ít lá gai thường có nhân bằng đậu xanh và dừa với đậu phộng. Ngày xưa mỗi lần giỗ ngoại, con cháu chục đứa theo sự hướng dẫn của dì Tám, lo lựa nếp, xay bột, ép nước, luộc lá gai, giã nhuyễn, sau đó làm nhân. Những miếng lá chuối cắt đều bự hơn bàn tay, bốn đầu lấy kéo bo tròn xấp thành một đống. Các chị bứt cục bột, để lên tay trái, lấy mấy ngón tay phải đè cục bột ra, múc muỗng nhân bỏ vào chính giữa, sau đó túm miệng lại, vo tròn, bỏ vào trong nia hay rổ. Bánh cúng nhìn gần như đòn bánh tét thu nhỏ nhưng là món giản đơn nhất trần đời, chỉ gồm nếp trộn muối, gói thành đòn với lá chuối. Bánh cấp làm bằng bột gạo, quậy đều với nước đường vàng rồi bắt lên bếp quậy cho chín. Sau đó miếng lá chuối xuống nia, múc muỗng bột, bỏ vô rồi lấy muỗng ịn ịn ra cho đều, sau đó gấp hai bên lá chuối lại, bẻ hai đầu, thành một hình chữ nhật, úp xuống, lấy tay hay cái thớt đè thêm cái nữa cho bột rải đều bánh. Trong này làm, ngoài kia hấp, tiếng cười nói đông đúc, rộn ràng vang khắp xóm.

Mấy năm nay, cảnh mỗi người mỗi tay dụm chùm lại, người rạch lá, đứa giã bột, đứa hấp bánh, cũng vắng hẳn đi vì ít có thời gian. Chị đặt hết em họ tôi làm cho tiện.

Mỗi người mỗi lớn, mỗi cuộc đời, cứ lo sợi dây thâm tình lỏng lẻo dần. Sợ một ngày nào đó không còn bền chặt. Nhưng về thăm nhà trong ngày giỗ ba, mới hay, tháng năm, tuổi tác, khoảng cách không gian chẳng thể tách rời được tình cảm gia đình, vốn dĩ rất thiêng liêng trong tâm hồn người Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.