Nhưng ngẫm, thấy cái trạng thái ở giữa kín (đóng) và mở (hết cỡ) này nó gợi nên muôn vàn cảnh huống sống động, nó như một cõi nhân gian giữa cái sinh và tử.
Đi đường, nếu không phải mùa lạnh, thường thấy những khoảng da thịt nhìn thoáng qua là trắng. Lấp ló thập thò hẹn hò tò mò giữa phần chót cùng gấu áo và trên cùng cạp quần. Nghe đâu mốt này là thứ du nhập, ở nơi nó ra đời, khoảng hở nó mênh mông bao la cao xa hoan ca hơn nhiều. Nghĩa là, nó đã được Việt hóa.
Nhưng, thật ra nó mới chỉ được “gái tân thời” Việt hóa thôi. Phần đàn bà còn lại (không mặc thế nhưng vẫn nhìn) thì không “tiêu hóa” được. Họ đồng thanh chỉ trích: Hở hang!
Phần đàn ông, nhìn và chẳng nói gì...
Trong cái sự hở ấy, thật ra nó cũng rất ý nhị: phần lưng bao giờ cũng nhiều hơn. Một khoảnh lưng hở - cứ nhìn đi, anh chẳng phải đối diện với cái nhìn lại của chủ nhân. Trong khi một khoảnh bụng hở - nhìn vào đó là có nguy cơ, phần hấp dẫn tăng lên nhưng nguy hiểm cũng tăng theo.
Cái hở chẳng vô tình. Khoảng nào, đến đâu, thậm chí lúc nào đều có ý.
Cái hở còn có tính thời đại: Xưa, phụ nữ ăn mặc rất kín, chỉ để hở khuôn mặt và hai bàn tay. Nay, bịt kín mặt, để hở một số chỗ.
Giới trẻ hiện đại có câu: tính ông/anh/chị/cô... ấy rất âu pần (open), hay rất cờ lâu (close). Thứ ngôn ngữ thời computer, có lẽ bật ra từ việc hằng ngày phải open/close hàng chục file. “Dịch” ra, nó là thoáng, cởi mở, thân thiện; và ngược lại là khó hiểu, khó gần, khó chơi. Với tôi, các khái niệm trên không cực đoan như các từ gốc mà nó mượn, nó là sự phân biệt tinh tế giữa sự hở ít và hở nhiều mà thôi. (Ở đây, đương nhiên, không bàn đến quần áo).
Cái đáng bàn ở đây là âu pần được tán dương hơn cờ lâu. Xưa kia, sự kín đáo - nhất là với nữ giới - được đánh giá cao. Nhưng ngày nay, chuẩn mực đã thay đổi.
Khi cả một quốc gia, một xã hội mở cửa, muốn hay không, từng cá nhân cũng phải âu pần.
Qua rồi cái thời luộc con gà xong không dám chặt mà phải dùng kéo cắt.
Qua rồi cái thời có miếng vải ca rô Tiệp cũng phải đem nhuộm ra màu xin xỉn mới dám may cho con.
Tất cả đi đứng ngồi nói năng cười khóc như nhau. Qua rồi.
Người ta bắt đầu thấy những nhóm và những cá nhân khác nhau. Những gì trước đây phải gò, co, ép lại, nay duỗi, giãn, nở tung.
Để dễ sống, dễ xoay xở, dễ biến màu, đa số phải che kín thái độ thật của mình. Họ trưng bày ra những thái độ lờ lợ, lững lờ, lưng lửng. Có những người đạt độ cao thủ: họ chẳng có thái độ gì. Họ không quan tâm đến chuyện kín hay hở. Bên trong bộ quần áo, chẳng có cái gì cả.
Hở - vốn là một từ có hàm nghĩa không đẹp.
Người dại hở, người khôn xấu hổ.
Nhưng hỡi ơi, đời này ai chẳng hở. Cái phải nghĩ đến muôn đời là hở đến độ nào mà thôi.
Bình luận (0)