Nhàn đàm: Khôi phục kinh tế vì lao động nghèo

10/05/2020 06:00 GMT+7

Nếu bắt đầu từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) chẳng hạn, thì khôi phục kinh tế sau dịch chính là tạo điều kiện cho chợ hoạt động trở lại, và hoạt động ngày một mạnh mẽ hơn.

Khi chợ đầu mối hoạt động, thì cả lực lượng lao động làm thuê cho tiểu thương, những người mang “sông núi trên vai” (và trên lưng) sẽ có việc làm. Chỉ cần có việc làm đều đặn hằng ngày, là cuộc sống của họ lại thấy đường ra. Với những người lao động làm thuê ấy, nghỉ việc ngày nào là khốn khổ ngày ấy. Chợ đầu mối hoạt động, nghĩa là cả hệ thống chợ nhỏ hằng ngày nhận được hàng hóa từ chợ đầu mối sẽ hoạt động trở lại. Chúng ta lâu nay quá quan tâm tới các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, mà nhiều khi xao nhãng hệ thống chợ. Thực ra, cung cấp hàng hóa nhiều nhất cho người tiêu dùng vẫn là hệ thống chợ, từ chợ đầu mối tới các chợ lẻ. Dân ta vẫn quen đi chợ, và người nghèo thì chỉ đi chợ mua thức ăn, ít khi dám đi siêu thị vì giá đắt hơn ở chợ. Những ngày bị cách ly, phong tỏa vì dịch bệnh, những chợ đầu mối trong cả nước đều ngừng hoạt động. Cứ nghĩ xem, đã có bao nhiêu vạn người làm thuê cho các chợ đầu mối mất việc, đồng nghĩa với mất thu nhập. Hoạt động kinh tế là một hệ thống kết nối, từ sản xuất tới phân phối, lưu thông, cuối cùng ra chợ (hay siêu thị) để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Khâu nào trong chuỗi hoạt động kinh tế ấy cũng quan trọng, nhưng khâu “gồng gánh làm thuê vác mướn” là dễ bị tổn thương nhất. Vì họ chỉ có “vốn tự có” là sức lực của mình, là đôi tay và đôi vai, là cái lưng của mình. Nhưng họ không là robot, nên các bộ phận cơ thể mang tính “gồng gánh” ấy khi quá tải sẽ bị hao mòn, bị thoái hóa, thậm chí bị bệnh tật. Đã ốm lại đói thì khổ vô chừng.
Khôi phục kinh tế là một câu chuyện lớn, nó hàm chứa rất nhiều câu chuyện vừa, câu chuyện nhỏ. Chuyện người nghèo làm thuê chỉ là câu chuyện nhỏ trong nền kinh tế lớn, nhưng nó là câu chuyện nghiêng về thân phận, về số phận con người lao động. Nó không chỉ dễ gây xúc động, mà nó còn là thước đo về tính nhân văn của nền kinh tế.
Chúng ta đã chứng kiến việc con vi rút SARS-CoV-2 phát hiện ra sự bất bình đẳng, sự phi nhân văn, sự kinh khủng của chủ nghĩa tư bản cá mập trên toàn thế giới như thế nào trước thảm họa chung của nhân loại. Chính phủ đã rút từ ngân sách 62 nghìn tỉ đồng cứu trợ khẩn cấp, trong đó đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, người bị thương tổn, người làm thuê mất việc. Nhưng gói cứu trợ ấy chỉ “giúp ngặt”, không thể “giúp nghèo”. Chỉ có công việc làm, chỉ khi người lao động nghèo có việc làm, họ mới tự giúp mình trong cuộc sống hằng ngày, mới giữ cho xã hội có một nền móng ổn định.
Vì thế, cái giúp đỡ lớn nhất cho người nghèo là giúp họ có công ăn việc làm. Nhiều khi, một lao động nghèo có việc và tận sức vì công việc, có thể nuôi được cả gia đình, dĩ nhiên ở mức sống tối thiểu.
Ngay một nước giàu nhất thế giới như Mỹ, khi dịch bệnh tràn tới, mới lộ ra quá đông người nghèo, những người nhập cư dễ bị thương tổn. Và họ là những người không chỉ bị mất việc, mà còn mất cả mạng sống chỉ vì thiếu những điều kiện bảo hiểm y tế, vì không được ngó ngàng tới.
Trong khi tính toán những vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế công nghệ cao, thì không thể bỏ quên lực lượng lao động đơn giản, lao động chân tay đang góp mồ hôi và sức sống của mình cho nền kinh tế phát triển. Hãy nhìn vào cuộc sống hằng ngày của họ để đánh giá tính nhân văn của một nền kinh tế. Sẽ còn khá lâu nữa chúng ta mới tới thời kỳ “lấy sức máy thay sức người”, dù lúc đó, người lao động thất nghiệp, mất việc sẽ là một vấn nạn lớn. Còn trong lúc này, để nền kinh tế phát triển hài hòa, cân đối, thì mọi yếu tố tham gia vào nền kinh tế ấy, nhất là yếu tố người lao động chân tay, cần được quan tâm đúng mức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.