Nhàn đàm: Tháng giêng là tháng...?

19/02/2017 06:00 GMT+7

Buổi sáng bên ấm trà, trong nhịp gió buồn lan, quê nhà ẩn hiện với phiên chợ nghèo và ánh mắt thầm của người nông dân một đời chịu đựng.

 Và như thế, làm gì có cái lệ tháng giêng là tháng ăn chơi, như câu nói xưa mà người nay hay lấy dùng, có khi thanh minh cho sự thừa tiền của mình. Danh nho Lê Quý Đôn từng ghi về một bài thơ miêu tả việc sứ thần Việt lúc đến Hàng Châu, nhìn thấy cảnh ăn chơi, đã có thơ so sánh, rằng người dân Việt không hề có cái thói xa xỉ ấy... Còn giờ đây, tháng giêng dường như là tháng bắt đầu của bất tận... lễ hội!
Còn nhớ con số thống kê, năm 2009, cả nước VN có 7.039 lễ hội. Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Trong số 7.039 lễ hội ấy, chỉ có 27 lễ hội được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ví như: hội Gióng (Hà Nội), hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Cầu Ngư (Khánh Hòa)... Vì sao mà hai con số (7.039 và 27) do Cục Thống kê đưa ra lại chênh lệch quá mức vậy? Ai mà chẳng biết, "Lễ" là những hành động nhằm biểu hiện sự tôn kính của người với thần linh, phản ánh ước mơ của người trước cuộc sống… “Hội” là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Rõ mười mươi như thế đấy, lễ hội chính là một trong những biểu hiện của truyền thống văn hóa dân tộc.
Lễ hội chân chính vốn xuất phát từ niềm tin; nhưng trước tình hình “loạn lễ hội”, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã… lắc đầu: “Quá nhiều lễ hội, là cổ xúy cho sự lười biếng, cho những hành động rất phi văn hóa…”.
Có lẽ mỗi địa phương nên thử nhìn lại, mỗi năm, các lễ hội diễn ra trong “đất” của mình đã tiêu tốn hết bao nhiêu? Để mang lại kết quả gì? Phải chăng, tổ chức lễ hội là việc cần có chuyên môn cao và kiến thức rộng, là một loại nghệ thuật - kỹ thuật.
Mấy năm qua, báo chí phản ánh khá nhiều về những tệ trạng từ lễ hội. Như việc hàng hàng lớp lớp người đổ xô đi “xin ấn” ở Nam Định (nói mãi, đã mấy năm rồi mà “vũ như cẩn”)... Cần nghĩ thế nào trước những việc như thế?
Nơi những bến tàu bãi xe ngang dọc và những phiên chợ chen chúc, vẫn đang là những cơn gió lạnh. Không chỉ là gió ngoài trời, mà chạnh lòng thành gió với sự toan tính của bao người trước đồng tiền chắt ra từ bao nhọc khổ nhục nhằn... Và những người nông dân nhẫn nại đổ mồ hôi trên đất từ những ngày cuối năm, chuẩn bị cho tiết giáp hạt, tháng giêng, hãy còn những cơn gió cơ hàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.