Nhàn đàm: Tiếng kêu của loài chim thương tích

23/06/2019 06:12 GMT+7

Tôi cam đoan rằng cũng không mấy người nghe được tiếng kêu thương tích ấy đâu nếu như chưa từng được sống ở vùng sông nước quê nghèo.

Tiếng kêu thương ấy chính là tiếng kêu của con chim bìm bịp… bíp bíp bíp…bịp bịp bịp… Ai đã bịp mày, lừa gạt mày mà mày khắc khoải kêu lên như thế? Hay là mày kêu để dặn dò ai? Tôi vẫn mơ màng nghĩ như vậy mỗi khi trở về thăm ngôi nhà xưa cũ của gia đình ở Cần Đước, Long An.
Khác biệt với tất cả các loài chim, sáo biết hót, bìm bịp chỉ kêu. Tiếng kêu của bìm bịp rất buồn. Buồn bởi vì không ngân vang, không chích chóe. Một điệp khúc dài bíp bíp bíp…bịp bịp bịp…bìm bìm… trầm dần trầm dần rồi loang ra trong lai láng hoàng hôn, xoáy vào lòng người một cảm giác u hoài khó dứt!
Tuổi thơ sống chung với bà cố là khoảng thời gian tôi được miên man sống trong khung trời chuyện cổ. Bà kể cho nghe nhiều câu chuyện khác nhau về bìm bịp. Nhưng ám ảnh nhất với tôi là hình ảnh trái tim của kẻ cướp muốn hoàn lương dù bị nhà sư bỏ xuống sông, vẫn đập những nhịp bíp bíp trong sóng nước, khát khao được sống đến suốt đời. Có lẽ vậy mà khi phải đi tìm quả tim cho tên cướp, nhà sư dù đã hóa thành con chim bìm bịp rồi mà không giấu hết được bộ lông phủ màu xám nâu của chiếc áo màu dà. Tìm được trái tim hay không thì không nghe hồi kết. Chỉ biết là vị “thầy tu” này đã là người “dọn dẹp” lũ rắn rít rất đắc lực cho ruộng vườn. Như một cách chuộc lại lỗi lầm…
Rồi chỉ một hai hồi thôi là tiếng kêu ấy lủi mất! Kẻ làm ơn cho con người đang bị con người từng phút giờ truy lùng săn bắt. “Con này hả, đem ngâm rượu là tiên dược đó, cứ uống mỗi ngày thì đau lưng, nhức mỏi, suy nhược… là chuyện nhỏ!”, một chị bán mấy con bìm bịp ở quốc lộ 50 nói như vậy khi tôi dừng lại xem. Tôi hỏi: “Nhiêu một con?”. “Bán rẻ cô hai trăm!”. Bởi lời đồn thổi bá vơ và cái giá mua bán hấp dẫn như vậy, làm sao mà trẻ con không bắt theo cách rượt đuổi chụp giật của trẻ con, người lớn không đánh bẫy theo cách dùng chim mồi tinh vi của người lớn? Bãi sậy bờ lau bây giờ có che chở cho nó được chăng? Rồi thì tấc đất tấc vàng, làng quê tấp nập bê tông hóa. Xi măng đổ lấp hết rồi, còn bụi bờ nào cho tiếng kêu thương tích ấy dung thân?
Chạng vạng, xe tôi chạy trong tiếng bịp bịp vẳng ra từ cầu ao xa tít. Tiếng kêu bi thương đã làm góa cả buổi chiều. Để những buổi chiều làng quê lẻ loi vẫn còn luôn níu nắng, mong đợi bước chân quên xứ tìm về.
Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi tò tí te tò te... Con bé cháu của tôi mỗi khi ca đến câu này là vui và hứng khởi lắm luôn! Nhưng tôi vẫn lo, đến một ngày nào đó nó có hỏi: “Nội ơi, con bìm bịp là con gì mà nó biết thổi tò tí te?” thì tôi không biết làm sao cho nó thấy tận mắt và nghe tận tai khi mà nước lớn nước ròng vẫn còn đó mà loài chim mang tiếng kêu buồn thương này đã bay về cổ tích rồi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.