Ngày 21.4 vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang kiểm tra đột xuất một hộ chăn nuôi heo và quyết định lập biên bản tiêu hủy 10 con heo thịt được nuôi bằng thức ăn có chứa salbutamol - chất kích thích tạo nạc.
Trước đó, hộ này đã vi phạm 3 lần cùng hành vi trên và đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn cố tình tái phạm.
Báo Thanh Niên rất đồng tình ủng hộ cách thực thi pháp quyền kiên quyết của Tiền Giang. Nhân danh sức khỏe cộng đồng, ngành thú y đã phối hợp với ngành quản lý thị trường tiêu hủy hàng trăm tấn thịt gia súc, gia cầm bẩn và mỡ bẩn trên cả nước.
Đây là lần đầu tiên, một bầy heo đang nuôi trong chuồng bị chích thuốc mê để đưa đi tiêu hủy. Phải tuyên chiến kịp thời với salbutamol như vậy ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày 1.7.2016 - ngày hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được coi là tội phạm hình sự, mới xử lý.
Chúng tôi phân biệt rất rõ hai khái niệm hành vi vi phạm và hành vi tội phạm. Hành vi vi phạm có thể được xử phạt hành chính nhưng hành vi tội phạm thì phải được chế tài bằng điều luật hình sự. Nhiều công dân coi thường pháp luật, coi thường quyền lợi cộng đồng; vẫn sản xuất, phân phối và sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol cho heo ăn.
Trong “giai đoạn quá độ” giữa xử phạt hành chính chờ tiến lên xử lý hình sự, việc xử phạt hành chính thêm nữa đối với họ là đã quá “lờn thuốc”. Vì vậy, quyết định tiêu hủy đàn heo sống là cần thiết, có giá trị răn đe tích cực, được dư luận người tiêu dùng trên cả nước đồng tình ủng hộ.
Đất nước đang tiến lên chế độ pháp quyền, trong đó mọi quy định pháp luật đều phải được tôn trọng tuyệt đối; mọi công dân đều sống và làm việc theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu có một đấng linh thiêng nhất mà mọi người phải tuân phục thì đấng ấy phải là thần linh pháp quyền. Và một khi mọi người tôn trọng thần linh pháp quyền thì tất cả những việc hành xử, quan hệ, hoạt động đều nằm trong khuôn khổ của pháp quyền cả.
Nhân đây, chúng tôi xin có mấy ý kiến chân thành thưa với bà con lao động. Việc bà con buôn bán nhỏ lẻ, tần tảo kiếm ăn hằng ngày để tự nuôi sống gia đình mình là thật đáng quý. Thế nhưng, rất nhiều khi bà con vin vào cái nghèo, cái khổ để tự cho phép mình thực hiện hành vi vi phạm thì thật là đáng tiếc. Thí dụ bà con ra chợ mua loại thịt heo chết 40.000 đồng/kg để nấu cơm bán cho người lao động khác ăn. Thí dụ bà con chiếm hẳn lề đường làm nơi buôn bán, đẩy xe cộ và người đi bộ xuống lòng đường làm rối loạn giao thông. Thí dụ bà con đánh bắt cá thả nuôi trên những dòng kênh của thành phố…
Những hành vi vi phạm như vậy rất dễ đưa đến hành vi tội phạm. Cái đáng lo là hành vi vi phạm ấy lại xâm hại vào quyền lợi chung của cộng đồng, trong đó có cả quyền lợi của bà con. Vậy thì khi làm một việc gì, ta cũng nên nghĩ thật sâu việc này có hại cho cộng đồng hay không. Rất mong bà con quan tâm cho điều ấy.
Bình luận (0)