|
Nghề nguy hiểm
Ở Bình Định chưa có nhà báo nào phải ra tòa vì những hành vi lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, nhưng vẫn có dư luận râm ran về một vài nhà báo uốn cong ngòi bút vì lợi ích cá nhân. Ông Võ Xuân Phụng - Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Bình Định - khẳng định như vậy khi đăng đàn đầu tiên, và cho hay vừa tham gia 3 cuộc họp để xử lý xung quanh phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết”. Phóng sự của D.C (Đài PT-TH Bình Định) được cho là có yếu tố dàn dựng khi đưa người tàn tật lái xe, hiện tiếp tục được xem xét về vi phạm trong tác nghiệp. Câu chuyện này gây xôn xao sau khi được VTV phát sóng trong chuyên mục an toàn giao thông, và đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giải thưởng.
|
Ông Lê Văn Nhi, Chủ tịch Hội nhà báo Quảng Nam, có lý do để “bổ sung” một khía cạnh nguy hiểm nữa trong nghề báo. Không chỉ dấn thân vào vùng thiên tai, chiến trường, chống tiêu cực… mới nguy nhiểm, mà sản phẩm của báo chí sẽ “neo” vấn đề giữa 2 cực: hoặc nhân lên niềm tin yêu, hoặc vùi dập một con người. Ông Đoàn Minh Long, Phó Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Khánh Hòa cũng nhìn nhận nhiều nhà báo không xác nhận, đối chiếu, phân tích đã vội đưa tin lên mặt báo tức thì.
Câu chuyện sập hầm vàng khiến 11 công nhân tử vong hồi mùa đông năm 1999 ở H.Phước Sơn (Quảng Nam) được người trong cuộc kể lại với tất cả sự nguy hiểm về tính mạng lẫn an toàn thông tin. Nhà báo Ngô Xuân Lộc (Đài QRT) và đồng nghiệp khi tiếp cận hiện trường nhận thấy công ty khai khoáng không đầu tư phòng chống tai nạn lao động, hầu hết công nhân bị vùi lấp khi đang khai thác quặng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp lại tìm mọi cách mong nhóm nhà báo này “phản ánh” như thể đây là… sự cố do lũ lụt. Vừa từ chối “cám dỗ”, các nhà báo vừa phải cắt rừng về xuôi để tránh sự đeo bám từ đám tay chân của công ty này.
Người trong nghề bức xúc
Câu chuyện “lừa dối” bảo vệ bãi rác ở Đà Nẵng của nhà báo Nguyễn Sơn, Trưởng phân xã TTXVN tại Quảng Nam, được cho là sự vi phạm... đáng yêu. Đó là lần xâm nhập hiện trường để viết về những phận đời tại bãi rác. Do lãnh đạo thành phố cấm không cho người dân vào lượm rác trong bãi tập trung, nhưng có thể họ đã “thỏa thuận” được với lực lượng bảo vệ ở đây nên hằng ngày vẫn vô tư nhặt rác mưu sinh. Nhưng đối với cánh phóng viên thì lực lượng bảo vệ cấm tiệt. Hôm đó, nhóm phóng viên buộc phải nhảy tường rào, lén mang theo ghi âm, máy ảnh mini nhưng vờ hóa trang như cán bộ khảo sát tình hình đời sống người dân. Rốt cuộc, họ đã qua mặt được lực lượng bảo vệ, sau đó báo phát hành đã tác động vào chính sách của thành phố...
Nhưng đó chỉ là chất xúc tác nhỏ trong hiện trạng đáng lo ngại về đạo đức báo chí. Thật khó hình dung câu chuyện “thú lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi” lại khởi nguồn từ lời kể của một người đi chợ sớm. Theo nhà báo Nguyễn Thanh Toàn (Thư ký chi hội báo Quảng Ngãi), chị đi vào ban đêm, thần hồn nát thần tính nên lời kể về con thú lạ (lông vằn, mắt sáng quắt) có độ chính xác không cao. Ấy vậy mà, đã có tờ báo tường thuật rất sống động rằng “…những ngày gần đây hàng chục vật nuôi đã bị một con thú lạ sát hại. Các vật nuôi thường bị cắn mất đầu và bị phanh thây ăn thịt”. Dẫn lại vụ cha chồng “dính” con dâu của một đài uy tín, nhà báo Nguyễn Thành (Hội nhà báo TP.Đà Nẵng) cũng lưu ý thương hiệu xây dựng qua hàng chục năm của đài bị phương hại chỉ vì phóng viên không kiểm chứng nguồn tin…
Chiếc phong bì, tình trạng đưa tin thiếu công tâm dẫn đến thiệt hại dây chuyền (như bắp Hội An luộc bằng pin kẽm…) cũng được chính người trong nghề đề cập khá bức xúc. Câu hỏi về xác lập cái “nền” (đạo đức) ra sao để từ đó xây nên “tòa nhà” báo chí trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, như gợi ý của ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam.
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Tiết lộ thông tin mật cho báo chí, cựu nhân viên FBI nhận 12 năm tù
>> Cơ quan hành chính 'né' trả lời báo chí sẽ bị xử lý
>> Cầu nối thông tin' phải cởi mở, hợp tác với báo chí
Bình luận (0)