63% người tiêu dùng Việt Nam cho biết ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam. Thế nhưng có một thực tế đáng bàn là đa số người tiêu dùng không thể phân biệt được thế nào là hàng Việt.
Hội nghị tập huấn tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
|
Theo kết quả điều tra do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, ban Tuyên giáo Trung Ương tổ chức vào tháng 5/2014, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 92% người tiêu dùng rất quan tâm và quan tâm đến cuộc vận động; 63% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam.
"Hàng hóa Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng hàng hóa được thay đổi, mẫu mã được cải tiến, đa dạng và ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết tại hội nghị sơ kết các hoạt động của Bộ Công thương hưởng ứng cuộc vận động lớn này.
Chủ tịch UB MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa
đội mưa đi bộ phát động phong trào sử dụng hàng hóa trong nước ngày 2/8 vừa qua |
Dù được đánh giá cao về sức lan tỏa và thay đổi nhận thức người tiêu dùng, song có một vấn đề mà 6 năm nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức: Sản phẩm nào được coi là hàng Việt Nam?
Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương hiệu cho rằng để “nhận diện” hàng Việt thực sự là một vấn đề khó khăn. Bởi thực tế, chưa có bất cứ một định nghĩa chuẩn nào để làm căn cứ xác định là hàng Việt.
Tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, cần phải phân biệt rõ giữa hàng Việt Nam được sản xuất trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm vào Việt Nam, gắn thương hiệu Việt để tránh việc đồng hóa, cổ vũ nhầm.
Ông Vũ Hùng Sơn - Giám đốc VITIC cho biết, hiện nay Ban Tổ chức đang chuẩn bị cho
chuỗi hoạt động sắp tới |
"Đã 6 năm tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nhưng định nghĩa chuẩn về hàng Việt vẫn chưa có", ông Thắng nhấn mạnh.
Tính cấp thiết của vấn đề này được các nhà quản lý và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong bối cảnh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng nước ngoài dãn mác “Made in Việt Nam” đang tràn ngập thị trường, gây khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp Việt trong cuộc tranh giành thị phần nội địa.
Đặc biệt, khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do, thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, cơ hội cho hàng hóa nước ngoài “ồ ạt” vào thị trường Việt, khó khăn cho doanh nghiệp Việt càng tăng gấp bội phần.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết, để “tiếp sức” cho doanh nghiệp và giúp người tiêu dùng hiểu được các yếu tố “định vị” hàng Việt qua đó có lựa chọn đúng đắn khi mua hàng, năm nay, Bộ Công Thương đã giao cho Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) tổ chức “Tuần nhận diện hàng Việt 2015”.
Theo đó, chương trình này sẽ diễn ra từ ngày 27/9 đến 4/10 tới, với nhiều hoạt động như hoạt náo diễu hành tuyên truyền về nhận diện hàng Việt tại Hà Nội và TP.HCM (từ 23 - 29/9), hai Hội chợ hàng Việt quy mô lớn tại Trung Tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ - Hà Nội) và Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) từ ngày 27/9 - 2/10 và đêm tổng kết hoành tráng được truyền hình trực tiếp trên song VTV1.
“Chúng tôi không tham vọng sẽ đưa ra được một “định nghĩa” hay một “bộ tiêu chuẩn” để nhận biết hàng Việt qua chương trình này, nhưng với sự cố vấn của Hội đồng chuyên gia của chương trình, chúng tôi sẽ cung cấp một cách đầy đủ nhất các hiểu biết cơ bản, để giúp người tiêu dùng hiểu thêm về các dấu hiệu nhận biết, qua đó có lựa chọn thông minh và đúng đắn hơn khi mua hàng”, ông Sơn khẳng định.
|
Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam được tổ chức với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp có cơ hội để giới thiệu hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, nâng cao uy tín, mở rộng cơ hội sản xuất, tìm kiếm bạn hàng đối tác tại thị trường nội địa...
Theo đó, các hoạt động triển khai trong khuôn khổ chương trình Tuần nhận diện hàng Việt 2015 - Tự hào hàng Việt Nam được thực hiện đồng thời trên 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh bao gồm: Hoạt động hoạt náo diễn ra từ ngày 23 - 29/9/2015 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Hoạt động diễu hành đồng hành cùng hàng Việt vào 08h00 ngày 27/9/2015 qua các tuyến phố lớn và tập trung tại Hội chợ - Triển lãm; Hội chợ - Triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt - Tự hào Hàng Việt Nam diễn ra từ ngày 27/9 đến ngày 02/10 tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 300 gian hàng/1 địa điểm đến từ gần 20 ngành hàng; Hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng; Truyền hình trực tiếp lễ tổng kết các hoạt động trong chương trình trên sóng VTV1 ngày 03/10/2015.
|
Bình luận (0)