Nhận diện quân đội tương lai của Trung Quốc

06/09/2015 09:21 GMT+7

Kế hoạch cải tổ quân đội do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sẽ đối mặt với không ít thách thức trong quá trình triển khai.

Kế hoạch cải tổ quân đội do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động sẽ đối mặt với không ít thách thức trong quá trình triển khai.

Một trong những kế hoạch sáp nhập các quân khu của Trung Quốc xuống còn 5 quân khu: miền bắc, miền nam, miền trung, miền đông và miền tây
Theo tiết lộ của tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 5.9, các sĩ quan sẽ chiếm hơn một nửa trong số 300.000 quân nhân bị cắt giảm theo kế hoạch cải tổ quân đội đầy tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ít nhất 170.000 sĩ quan, từ cấp trung úy đến đại tá, sẽ được chuyển đổi công tác hoặc cho về hưu non. Một nguồn tin cho hay Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đưa ra thông báo chi tiết về kế hoạch tinh giản vào giữa tháng này.
Cải tổ hệ thống quân khu
Kể từ giai đoạn đỉnh cao năm 1951, với quân số 6,72 triệu, PLA đã trải qua 10 lần cắt giảm quân số xuống còn khoảng 2,3 triệu hiện tại.
Đợt cải tổ lớn nhất được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình triển khai trong giai đoạn 1985 - 1987 khi số quân khu giảm từ 11 xuống còn 7 và 1 triệu quân được cho xuất ngũ. Khi đó, ông Đặng Tiểu Bình muốn tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường chất lượng binh sĩ.
Năm 1997, nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân thông báo kế hoạch cắt giảm 500.000 quân.
Giai đoạn 2003 - 2005, quân số của PLA lại cắt giảm thêm 200.000 xuống còn 2,3 triệu. Với kế hoạch cắt giảm 300.000 quân hiện nay, Trung Quốc sẽ có khoảng 2 triệu quân vào năm 2017.
Lục quân của PLA sẽ là lực lượng bị cắt giảm chủ yếu trong kế hoạch. Cụ thể, 2 trong số 7 quân khu hiện hữu sẽ bị xóa sổ cùng với 3 tập đoàn quân, theo tờ SCMP dẫn các nguồn thạo tin.
Lục quân Trung Quốc hiện có 18 tập đoàn quân phân bổ vào 7 bộ tư lệnh quân khu đặt tại Bắc Kinh, Thẩm Dương, Lan Châu, Thành Đô, Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu. Mỗi quân khu có từ 2 - 3 tập đoàn quân và mỗi tập đoàn quân có từ 30.000 - 50.000 binh sĩ. Do vậy, xóa sổ hai quân khu sẽ dẫn đến việc cắt giảm ít nhất 120.000 quân.
Sau khi hoàn tất quá trình cải tổ, PLA sẽ còn lại 15 tập đoàn quân đặt dưới 5 quân khu chiến lược. Tuy nhiên, các tập đoàn quân này sẽ không còn là lục quân truyền thống mà sẽ tuyển mộ thêm binh sĩ đến từ không quân và hải quân trong kế hoạch hình thành bộ tư lệnh tác chiến thống nhất.
Hiện chưa rõ 2 quân khu nào sẽ bị giải tán song một nguồn tin ở Bắc Kinh tiết lộ các tập đoàn quân thuộc Quân khu Thẩm Dương sẽ được chuyển đổi thành đơn vị biệt kích đổ bộ đường không. Hai tập đoàn quân khác, một thuộc Quân khu Nam Kinh và một thuộc Quân khu Tế Nam, sẽ trở thành hải quân đánh bộ.
Vào năm ngoái, tờ Yomiuri Shimbun ở Nhật từng dẫn nguồn tin cho hay Trung Quốc sẽ tái bố trí các quân khu theo hướng thành lập 3 khu vực duyên hải phụ trách các vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông, dựa trên cơ sở 3 quân khu Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu. Các tỉnh nội địa sẽ thuộc quyền phụ trách của 2 quân khu hình thành từ 4 quân khu còn lại.
Theo SCMP, ngoại trừ Khu phòng vệ Bắc Kinh, vốn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô, các khu phòng vệ cấp tỉnh, thành sẽ bị giải tán, với khoảng 50.000 quân bị cắt giảm. Các khu phòng vệ địa phương này sẽ được thay thế bởi các văn phòng của Bộ Quốc phòng phụ trách động viên, nghĩa vụ quân sự, huấn luyện và các nhiệm vụ quản lý khác nhằm phòng ngừa sự cấu kết giữa chỉ huy các khu phòng vệ và quan chức địa phương.
Ngoài ra, khoảng 100.000 quân nhân thuộc các đơn vị phi tác chiến như quân y, liên lạc và văn công sẽ bị cắt giảm trong khi 50.000 binh sĩ thuộc lực lượng biên phòng sẽ được sáp nhập vào lực lượng cảnh sát vũ trang mà một số nguồn tin trước đó cho hay sẽ được đổi tên thành Vệ binh quốc gia, phụ trách an ninh đối nội, cứu trợ thảm họa và chống khủng bố. Toàn bộ số quân nhân bị cắt giảm sẽ nhận được sự hỗ trợ chu đáo, gồm 50.000 người chuyển sang các vị trí dân sự. Một số khác sẽ được khuyến khích về hưu non.
Sức kháng cự
Cũng theo tiết lộ của SCMP, hệ thống các tổng cục của PLA (gồm Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị) sẽ bị bãi bỏ và sáp nhập vào Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng. Thay vào đó, các bộ tư lệnh lục quân, hải quân, không quân và vệ binh quốc gia sẽ được thành lập, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương.
Nhận diện quân đội tương lai của Trung Quốc
Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ thuộc Hiệp hội Kiểm soát và giải trừ vũ khí Trung Quốc nói với tờ SCMP: “Lục quân chắc chắn là m8ục tiêu chính trong quá trình tinh giản vì lực lượng này có nhiều quân hơn cả không quân và hải quân gộp lại. Với sự mở rộng lợi ích quốc gia ở hải ngoại, chiến lược quốc phòng của Trung Quốc đã chuyển từ phòng thủ vùng biển gần sang bảo vệ cả vùng biển gần và vùng biển xa”.
Tuy nhiên, những người khác như sử gia quân sự Từ Bình lập luận rằng mặc dù PLA nên nâng cao vai trò của hải quân và không quân, việc theo sát hình mẫu của Mỹ, Anh và Nhật là điều sai lầm. “Cả Nhật và Anh đều là đảo quốc, còn Mỹ nằm vắt qua hai đại dương. Địa lý quyết định rằng hải quân của họ phải có địa vị ngang bằng với lục quân, còn Trung Quốc chỉ là nước thuộc lục địa như Nga”, ông Từ nói.
Kế hoạch cải tổ cũng vấp phải sự kháng cự từ nội bộ quân đội Trung Quốc bởi nó liên quan đến việc thay đổi cấu trúc chỉ huy mà nhiều sĩ quan đã mất cả đời để phấn đấu leo lên, theo SCMP.
Trong số ngày 4.9, tờ PLA Daily cũng cảnh báo quá trình cải tổ sẽ đối mặt với những khó khăn “chưa từng thấy” bởi những cách tư duy cổ hủ đã trở nên thâm căn cố đế và “sẽ rất khó để gạt chúng ra khỏi đầu mọi người”. Việc cải tổ cũng không tránh khỏi đụng chạm đến các nhóm lợi ích nhất định, tờ báo cảnh báo nhưng không nói rõ đó là các nhóm nào.
Tàu chiến Trung Quốc đi qua lãnh hải Mỹ
Tờ The Wall Street Journal hôm 5.9 đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã khẳng định cách đây vài ngày, 5 tàu chiến Trung Quốc không chỉ lần đầu tiên vào khu vực ngoài khơi bang Alaska mà còn đi qua vùng biển 12 hải lý từ bờ biển nước Mỹ.
Giới chức Lầu Năm Góc nói rõ rằng 5 tàu trên vào lãnh hải Mỹ khi đi qua quần đảo Aleutian, nhưng cho biết hành động đó phù hợp với luật pháp quốc tế và không gây ra mối đe dọa đối với Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận tàu chiến của họ đi vào biển Bering, giáp với Alaska, sau khi tiến hành tập trận chung với hải quân Nga hồi cuối tháng 8.
Bắc Kinh lâu nay vốn phản đối tàu hải quân Mỹ đi qua lãnh hải Trung Quốc hoặc hoạt động trong vùng biển quốc tế sát lãnh hải nước này, theo Lầu Năm Góc. Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh hải quân Mỹ Peter Dutton nhận định rằng sau hành động nói trên, Bắc Kinh giờ đây không có cơ sở để phản đối tàu hải quân Mỹ đi qua lãnh hải Trung Quốc.
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.