Cần việc, nên doanh nghiệp bị lỗ vẫn làm
Chiều 31.7, TAND TP.Đà Nẵng kết thúc phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo là cựu Chủ tịch, cựu Phó chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ và lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị trong vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ.
HĐXX tuyên phạt Hồ Văn Khoa (51 tuổi, cựu Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ) và Võ Thiên Sinh (46 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ) cùng 9 năm tù; Võ Thành Quý (38 tuổi, cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Cẩm Lệ) 7 năm tù; Trần Phước Mỹ (50 tuổi, cựu Phó phòng Quản lý đô thị Q.Cẩm Lệ) 5 năm tù, cùng tội nhận hối lộ.
Nguyễn Đặng Nhất Duy (43 tuổi, Phó giám đốc Công ty Thy Nghĩa Hưng) lãnh 8 năm tù về tội đưa hối lộ.
Ngoài ra, Võ Thành Quý bị HĐXX tuyên phạt 2 năm tù về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là 9 năm tù; Phan Văn Tiến (36 tuổi, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị Q.Cẩm Lệ) bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù nhưng được hưởng án treo (thời gian thử thách 3 năm); Hoàng Ngọc Tiến (35 tuổi, Phó giám đốc Công ty Aldes) bị tuyên 2 năm tù.
Theo cáo trạng, để Công ty Thy Nghĩa Hưng trúng 2 gói thầu nạo vét cống trong 2 năm 2021, 2022 trị giá 16,5 tỉ đồng ở Q.Cẩm Lệ, Nguyễn Đặng Nhất Duy đã nhờ một số bị cáo giúp đỡ.
Để kiếm tiền chi cho các hoạt động của Q.Cẩm Lệ như tiếp khách, thăm hỏi dịp lễ, tết, thưởng cán bộ, Hồ Văn Khoa chỉ đạo Võ Thiên Sinh và Phòng Quản lý đô thị làm việc với doanh nghiệp trúng thầu để trích lại %.
Năm 2021, khi có kết quả Công ty Thy Nghĩa Hưng trúng thầu, các bị cáo không nói cho Duy biết mà Sinh yêu cầu Duy trích lại 38% trước khi phê duyệt nhà thầu. Duy không đồng ý vì lỗ quá nhiều.
Sau đó, các bị cáo thống nhất mức trích lại 33%. Trước tòa, Duy khai chỉ lãi 10 - 15% gói thầu nạo vét cống, nếu trích lại 33% vẫn lỗ 18% nhưng đành chấp nhận. Nguyên do, Duy cần việc để nuôi công nhân và bù lại bằng nhiều công trình chỉ định thầu quy mô nhỏ khác, hoặc bù bằng công trình các nơi khác.
Tổng cộng, các bị cáo nhận 3,15 tỉ đồng do Duy trích lại; Khoa, Sinh, Quý… dùng khoản tiền này để thưởng cán bộ dịp lễ, tết, tiếp khách, thăm tặng quà các đơn vị.
Ngoài ra, Võ Thành Quý, Phan Văn Tiến và Hoàng Ngọc Tiến còn thông đồng tham ô gần 200 triệu đồng chi phí giám sát thi công gói thầu thoát nước năm 2021, bằng cách nhờ Công ty CP Aldes (ở Q.Cẩm Lệ) của Hoàng Ngọc Tiến làm pháp nhân nhận tiền thanh toán.
Tại tòa, trừ luật sư bào chữa của Khoa, các luật sư bào chữa còn lại đều thống nhất tội danh, khung hình phạt nhưng đề nghị xem xét hành vi phạm tội không có cấu kết để mức án nhẹ hơn.
Cựu Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ không nhận tội
Trong khi đó, cựu Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa nhận trách nhiệm khi cấp dưới vi phạm pháp luật, thừa nhận có nhận các khoản tiền từ cấp dưới nhưng không biết đây là tiền trích lại %, mà nghĩ rằng là quà cáp dịp lễ, tết do doanh nghiệp biếu và được cấp dưới đưa lại.
Bị cáo Khoa không nhận tội nhận hối lộ, đồng thời tự bào chữa về việc không biết phó chủ tịch, trưởng và phó phòng Quản lý đô thị thỏa thuận về việc nhận tiền hối lộ.
Khoa và các luật sư bào chữa xin xem xét lại tội danh, và cho rằng việc quy kết bị cáo chủ mưu là không đúng bởi bị cáo không chủ trương, không yêu cầu doanh nghiệp trích %, không tiếp xúc và không chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc doanh nghiệp, không quyết định tỷ lệ trích lại %...
Phần bào chữa của bị cáo Khoa còn đề nghị xem xét chứng cứ buộc tội của Viện KSND là lời khai của các bị cáo khác.
Tại tòa, đại diện UBND Q.Cẩm Lệ xin HĐXX giảm nhẹ cho các bị cáo khi lượng hình, bởi các bị cáo có nhiều thành tích đóng góp cho địa phương.
Đã nộp lại tiền hối lộ, tham ô
Theo đại diện Viện KSND TP.Đà Nẵng, dù cựu Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ Hồ Văn Khoa không nhận tội nhưng các lời khai, chứng cứ, tài liệu điều tra có thể khẳng định việc truy tố bị cáo về tội nhận hối lộ là đúng người, đúng tội.
HĐXX nhận định, trong quá trình điều tra, Khoa khai biết rõ gói thầu năm 2021 có việc thỏa thuận doanh nghiệp trích lại % như thông lệ từ trước khi Khoa làm Chủ tịch UBND quận. Theo đó, Sinh, Quý nói về việc trích % nhưng Khoa không biết cụ thể, không rõ bao nhiêu, cuối năm mới báo cáo; Khoa không có ý kiến về việc Quý thỏa thuận với doanh nghiệp mà do Sinh quyết định.
Bên cạnh đó, suốt quá trình điều tra, truy tố và tại tòa, các bị cáo khác đều cho rằng Khoa với vai trò chủ tịch quyết định cuối cùng cho chủ trương sai trái trên, HĐXX nhận thấy lời khai của các bị cáo khác phù hợp với nhau và có cơ sở.
HĐXX còn cho rằng, bị cáo Khoa là chủ tịch, là người có quyết định cao nhất nên việc Khoa không thừa nhận, khai không biết số tiền hối lộ là không phù hợp. Đồng thời, Khoa vì vụ lợi đã để cán bộ cấp dưới tiếp xúc doanh nghiệp dự thầu, trích lại % để sử dụng, nên bị cáo chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Tuy nhiên, các bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả, nộp lại 3,15 tỉ đồng tiền nhận hối lộ và gần 200 triệu đồng tham ô, cùng với nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn, có thành tích xuất sắc, hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình có công cách mạng… nên được xem xét giảm nhẹ mức án.
Bình luận (0)