Mô phỏng một đợt bùng nổ tia gamma |
NASA, ESA |
Vào thập niên 1960, các vệ tinh quân sự Mỹ tình cờ phát hiện những luồng ánh sáng phóng thích năng lượng vô cùng mạnh mẽ đến từ vũ trụ. Họ gọi là các đợt bùng nổ tia gamma (GRB).
Đây là hiện tượng nhiều khả năng sản sinh trong quá trình các ngôi sao khổng lồ kết thúc cuộc đời bằng một vụ nổ kinh thiên động địa và chuyển thành hố đen. Hoặc GRB cũng có thể ra đời khi các sao neutron va chạm với nhau.
Trong vòng vài giây, những vụ nổ này phóng thích năng lượng tương đương với mặt trời tạo ra trong suốt 10 tỉ năm đời sống, theo Space.com hôm 14.10.
Được đặt tên GRB221009A, luồng ánh sáng được phát hiện hôm 9.10 là đợt bùng phát năng lượng mạnh nhất từ trước đến nay, phóng thích 18 teraelectronvolt năng lượng. Các nhà khoa học vẫn đang phân tích những số đo, nhưng nếu được xác nhận, đây là vụ nổ GRB đầu tiên vượt ngưỡng 10 teraelectronvolt.
Bên cạnh đó, kết quả đo đạc cho thấy luồng ánh sáng trên truyền đến trái đất từ địa điểm cách địa cầu khoảng 2,4 tỉ năm ánh sáng. Đây cũng là sự kiện GRB phát hiện gần trái đất nhất từ trước đến nay, gần gấp 20 lần so với các sự kiện GRB khác.
Dù GRB221009A vẫn nằm trong khoảng cách an toàn đối với trái đất, một sự kiện gần hơn, chẳng hạn cách vài ngàn năm ánh sáng, có thể tước bỏ tầng ozone bảo vệ địa cầu và kích hoạt cơ chế hủy diệt hàng loạt trên bề mặt hành tinh của chúng ta.
Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng một trong những sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử trái đất, diễn ra khoảng 450 triệu năm trước, có thể xuất phát từ vụ nổ GRB ở khoảng cách gần, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Bình luận (0)