STEM được cho là nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, dù ở VN hay trên thế giới. Bởi tùy vào vị trí làm việc trong ngành bán dẫn, ứng viên sẽ phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau, như tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, điện - điện tử... nếu làm việc ở khâu thiết kế và nghiên cứu, phát triển (R&D); hay tốt nghiệp ngành vật liệu, vật lý kỹ thuật, hóa học, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano... nếu ở khâu sản xuất.
Đài Loan MẠNH TAY THU HÚT
Với thế mạnh ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, từ năm 2024, Đài Loan sẽ phối hợp với doanh nghiệp và trường ĐH tổ chức đào tạo miễn phí các ngành liên quan như khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn cho người Việt qua Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế (INTENSE). Chương trình dự kiến tuyển sinh 2.000 - 2.500 người trong năm nay cho 2 kỳ nhập học vào mùa thu (tháng 9.2024) và mùa xuân (tháng 2.2025).
Ông Hàn Quốc Diệu, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết khi tham gia INTENSE, du học sinh Việt được tài trợ vé máy bay, học phí, sinh hoạt phí. Chưa kể, dù thực tập hay đi làm, các bạn đều được nhận lương. Thời gian đào tạo kéo dài 2 năm, khi tốt nghiệp sinh viên sẽ làm việc tối thiểu 2 năm tại doanh nghiệp Đài Loan, sau đó có thể chọn về nước hoặc tiếp tục ở lại.
Ông Diệu cho hay: "VN đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Song, nếu muốn thu hút doanh nghiệp ngành bán dẫn đặt nhà máy, đầu tư vào VN, trước hết cần bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. INTENSE, vì thế, sẽ giúp giải quyết nhu cầu này khi Đài Loan là một trong những cái tên dẫn đầu thế giới về sản xuất bán dẫn và thiết kế chip".
Về quy chế tuyển sinh, ông Trần Hòa Hiền, người phụ trách lĩnh vực giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho hay chính quyền đã phê duyệt khoảng 100 lớp thuộc chương trình này. Dự kiến có 35 đơn vị tham gia đào tạo, trong đó có nhiều trường công lập hàng đầu như NTU, NYCU, CCU. Cơ hội này dành cho ứng viên đã tốt nghiệp CĐ, trung cấp hoặc theo học chương trình liên kết đào tạo 2+2, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cũng theo ông Hiền, thời gian tới, các trường Đài Loan sẽ đến VN hợp tác với cơ sở giáo dục tại địa phương để thành lập văn phòng đại diện. Đây là bước tiến nhằm hỗ trợ du học sinh Việt tốt hơn nữa trong việc định hướng ngành nghề, khi các trường sẽ dạy tiếng Hoa trực tiếp hoặc trực tuyến, cũng như cung cấp khóa học trải nghiệm ngắn hạn, tất cả đều miễn phí.
MỸ, ÚC MỞ RỘNG NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Đài Loan không là cái tên duy nhất muốn thu hút nhân lực STEM từ VN. Tại Mỹ, nhiều ưu đãi đang được dành riêng cho những ai học STEM.
Từ năm 2025 - 2026, học bổng chính phủ Mỹ Fulbright mở rộng các ngành học được tài trợ, trong đó lần đầu có ngành kỹ thuật, khoa học vật lý, thay vì chỉ giới hạn ở các ngành khoa học xã hội và nhân văn như trước đây.
Một chính sách ưu đãi khác liên quan đến chương trình thực tập không bắt buộc (OPT), theo bà Đinh Mỹ Phương, đại diện tuyển sinh ĐH Rochester (Mỹ). Cụ thể, du học sinh được phép ở lại làm việc trong 1 năm theo diện OPT. Song, nếu tốt nghiệp khối ngành STEM, con số này tăng thêm 2, lên đến 3 năm. "Giá trị của khối ngành STEM lẫn cơ hội nghề nghiệp đang ngày càng tăng", bà Phương nhận định.
Ngoài hoạt động du học, Trung tâm tư vấn giáo dục Mỹ (EducationUSA) cho biết nước này có các chương trình trao đổi giáo dục trong lĩnh vực STEM, hướng tới tăng cường hợp tác giữa các bên. Mặt khác, học bổng Quad Fellowship của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) trước đây chỉ dành cho sinh viên khối ngành STEM tại Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, từ năm 2024 cũng mở rộng cho nhiều quốc gia khác trong đó có VN.
Tại Úc, tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Tổ chức Giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q, nhận định nhu cầu nhân lực về khối ngành STEM đang đặc biệt cao, nhất là ở giai đoạn hậu Covid-19. Ông Quang dự đoán ít nhất 5 - 10 năm tới, STEM sẽ không hạ nhiệt vì nằm trong danh sách ngành nghề ưu tiên định cư trong thời gian ngắn, trung và dài hạn của Úc.
"Các quốc gia phát triển đang có xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực STEM từ nước ngoài, trong đó có VN, để phát triển hơn nữa kinh tế và công nghệ. Qua những chương trình học bổng, ưu đãi làm việc sau tốt nghiệp và nhiều chính sách khác, họ có thể thu hút và giữ chân tài năng, thúc đẩy sự đổi mới trong các ngành công nghiệp trọng điểm và thắt chặt quan hệ ngoại giao", tiến sĩ Quang phân tích.
Cũng theo ông Quang, để nắm bắt những cơ hội nói trên, người học phải rèn luyện khả năng giao tiếp, làm việc trong môi trường đa văn hóa, nhất là khi dẫn đầu "cuộc chơi" hiện nay dù ở VN hay thế giới đều là những tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, sinh viên không nên "thu mình" trong lớp học mà hãy chăm tham gia nghiên cứu cũng như mở rộng mối quan hệ trong ngành, chuyên gia lưu ý thêm.
Hàn Quốc tăng gấp đôi học bổng
Trong khuôn khổ Dự án 300.000 người du học Hàn Quốc (Study Korea 300K Project), Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài ngành STEM. Cụ thể, nước này sẽ tăng gấp đôi suất học bổng chính phủ cho du học sinh ngành STEM cũng như rút ngắn thời gian xét duyệt tư cách thường trú nhân và quốc tịch với học viên cao học tốt nghiệp ngành STEM, bắt đầu từ năm 2024.
"Nhu cầu về nhân lực STEM nói chung, ngành bán dẫn nói riêng đã trở thành xu hướng chung trên toàn cầu, đặc biệt ở những quốc gia phải đối diện với tình trạng già hóa dân số như Hàn Quốc. Thế nên, bên cạnh nguồn nhân lực nội địa, Hàn Quốc với vị thế là "ông lớn" công nghệ cũng nỗ lực thu hút các chuyên gia chất lượng cao từ nước ngoài", ông Trần Thiên Văn, Giám đốc điều hành Zila Education (TP.HCM), lý giải.
Anh: Nhiều học bổng STEM cho nữ giới
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2022, nữ giới chỉ tham gia 20% công việc trong lĩnh vực STEM trên toàn cầu. Nhiều nghiên cứu khác cũng nêu bật sự chênh lệch về việc xuất bản bài báo khoa học, thu nhập và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của phụ nữ trong lĩnh vực STEM. Ngoài ra, chỉ 19,3% nữ giới có một bằng ĐH ngành STEM, thấp hơn khoảng một nửa so với tỷ lệ 39,8% ở nam giới.
Dữ liệu trên thúc đẩy nhiều quốc gia tài trợ nữ giới học STEM để giải quyết chênh lệch về giới tính trong giáo dục, việc làm ở lĩnh vực này, đơn cử như Anh. Cụ thể, trong năm 2024, chính phủ Anh cùng Ban Thư ký ASEAN lần đầu ra mắt học bổng STEM cho nữ giới, giá trị toàn phần trong một năm để theo học bậc thạc sĩ tại một trường top đầu Anh. Hội đồng Anh cũng có chương trình tương tự, đến nay đã triển khai được năm thứ tư.
Bà Ziena Jalil, thành viên Hội đồng cố vấn quản trị tại Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ), lưu ý rằng sự xuất hiện của nữ giới trong lĩnh vực STEM giúp các dịch vụ, công nghệ mới khi được tạo ra sẽ dành cho tất cả chứ không chỉ phù hợp với nam giới. Do đó, việc tạo điều kiện và chứng minh cho nữ giới thấy họ hoàn toàn có thể theo đuổi sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực STEM là quan trọng và cần thiết.
Bình luận (0)