Nhiều cử nhân trẻ tuổi đã tình nguyện đến H.Đakrông, Quảng Trị sống với núi rừng sông suối, hướng dẫn bà con cách làm ra hạt lúa, hạt ngô, dạy cho đám trẻ biết ê a con chữ.
Làm việc qua email
Nếu như ở thành phố, làm việc qua internet đã là một thói quen thì ở cái nơi đại ngàn này, không phải ai cũng rành rọt. Nhiều năm trước, người viết đã nhiều lần ngán ngẩm với cách làm việc của một vài cán bộ vùng cao, dù họ rất nhiệt tình nhưng vì làm việc thiếu khoa học nên đôi khi muốn xin một ít thông tin về địa phương cũng phải chờ cả nửa tiếng đồng hồ.
Chúng tôi đến xã Ba Nang trong một tâm thế như vậy, sẵn sàng chờ. Thế nhưng chúng tôi đã nhầm, bởi từ năm ngoái UBND xã Ba Nang đã có được một “tay chơi công nghệ” - đó là trí thức trẻ Phan Bình Nguyên. 23 tuổi, khi tấm bằng tốt nghiệp Học viện Hành chính TP.HCM chưa “ráo mực” thì Nguyên đã ứng cử về làm cán bộ phụ trách hành chính của xã. Với dáng dong dỏng cao, hơi gầy đúng chất dân “công nghệ”, Nguyên đã làm chúng tôi thực sự bất ngờ với cung cách làm việc khá chuyên nghiệp. “Các bạn cần những thông tin gì, mình sẽ chuyển qua email luôn cho đỡ mất thời gian ghi chép” - Nguyên nhanh nhảu.
|
Khỏi phải nói là từ ngày “sở hữu” chàng trai trẻ này, nhiều công việc hành chính của xã Ba Nang tiết kiệm được nhiều thời gian đến mức nào. Nguyên còn kiêm luôn “giáo viên hướng dẫn” cho những cán bộ khác để ai cũng có thể lướt web, tìm kiếm thông tin, phục vụ công việc. Không những thế, Nguyên còn cùng các đồng sự của của mình sắp xếp lại các hồ sơ, giấy tờ lưu trong bộ nhớ của máy tính một cách gọn gàng, để mỗi khi cần chỉ cần nhấn phím.
Làm ra “hạt ngọc” của trời
Kiến thức khoa học mà những trí thức từ miền xuôi mang lên đã được chứng minh là sẽ hiệu quả, điều ấy thì rõ rồi, nhưng để áp dụng những kiến thức đó, để nói sao cho đồng bào làm theo mới là chuyện đáng nói. Trí thức trẻ Hồ Tất Tuấn (cán bộ nông nghiệp xã Đakrông) nhớ lại rằng: “Ngày đầu tiên tôi lên bản để tuyên truyền cho người dân kiến thức trồng trọt. Một số người dân thấy tôi lạ mặt, họ tỏ ra rất nghi ngại. Thêm vào đó, việc canh tác lâu nay vốn đã đi vào tiềm thức của người dân nên không dễ gì mình nói mà họ nghe theo. Tôi thất bại”. Đó cũng là tình cảnh của cán bộ khuyến nông của xã Ba Nang Nguyễn Văn Hiền trong buổi đầu tiếp xúc với dân bản.
Nhưng đã có gan xung phong lên vùng cao thì đâu dễ cho những con người này bỏ cuộc, nhất là khi họ biết rằng nếu thành công họ sẽ mang ấm no về cho dân bản.
Hai chàng trai đã bỏ ra hàng tháng trời để theo dõi tập quán sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao để rồi chợt nhận ra nguyên lý rằng, vì sợ làm ô uế “hạt ngọc” nên đồng bào không bón phân, không chăm sóc, cây nào lớn thì sẽ lớn, cây nào còi cọc thì mặc kệ… Đến lúc mất mùa lại đổ lỗi cho Giàng. “Biết không dễ một sớm một chiều mà suy nghĩ có thể đổi thay nên trước tiên phải làm thân với dân bản. Ăn với họ, ngủ với họ, rồi tâm sự với họ, nói mãi bà con dần nghe lọt lỗ tai” - Hiền tiết lộ. “Một khi đã hiểu được thì họ áp dụng ngay, lại rất hăng hái. Người vùng cao mà, họ sống thật bụng lắm” - Tuấn tiếp lời.
Nói như ông Hồ Nha, Phó chủ tịch UBND xã Đakrông thì đã có một “làn gió mới” thổi qua thôn bản, qua những rẫy ngô, ruộng lúa… “Dân bản bây giờ đã biết tự chăm lo cho những “hạt ngọc” của mình. Chỗ nào chưa hiểu họ lại đến hỏi các cán bộ trẻ là ra ngay thôi” - ông Nha phấn khởi.
Nguyễn Phúc - Nguyễn Thọ
Bình luận (0)