Tài không đợi tuổi
Giữa một thành phố miền Tây như Long Xuyên, với lượng người sinh sống ngày càng đông, nhà cửa từ từ “chiếm” hết các mãnh đất trống, khiến các "sân bóng" của bọn trẻ ở những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước chỉ có thể là vĩa hè. Thời đó chiều nào dọc bên lề đường ở P.Bình Đức cũng thấy nhóm trẻ con tụ tập đá bóng. Trong số đó có vài “nhóc tì” từ bóng đá đường phố này đã sớm bộc lộ năng khiếu và tố chất của 1 tài năng, thể hiện khả năng nhanh nhạy và tư duy đỉnh đạc khiến bạn bè khâm phục. Một trong số “đứa trẻ” sớm thành danh đó chính là Nhan Thiện Nhân.
14 tuổi, tiếng đồn về cậu bé Thiện Nhân có đôi chân khéo và khả năng xử lý nhanh nhạy đã vang xa khắp thành phố và được những người làm chuyên môn của bóng đá An Giang đến nhìn ngắm. Nhất là khi Thiện Nhân có dịp chứng tỏ mình ở giải trẻ TP Long Xuyên năm 1984, 1985. Ấn tượng với màn trình diễn rất thu hút của cậu bé Nhân, Ban huấn luyện đội tuyển trẻ An Giang đã gọi anh vào đội trẻ của tỉnh năm 17 tuổi. Chỉ sau 2 năm (1988), HLV Lê Đình Chính đã quyết định đôn anh lên đội tuyển tỉnh nhằm chuẩn bị cho Giải Bóng đá A1 quốc gia khi Nhân chỉ mới 19 tuổi.
Cao 1m69 có thể đảm nhận được cả biên phải lẫn biên trái khi chơi luôn xông xáo và thể hiện phẩm chất kỹ thuật điêu luyện, Nhan Thiện Nhân sớm có vị trí chính thức trong đội hình An Giang. Ấn tượng lớn nhất chính là mùa giải 1990 khi Nhan Thiện Nhân chơi cực hay góp công lớn cho An Giang về thứ 3 bảng A sau Hải Quan, Điện Hải Phòng và trên một loạt tên tuổi lớn như Công An Hà Nội, Tổng cục Đường Sắt, Phú Khánh...và sau đó giành luôn huy chương đồng. Đáng nhớ là trận đấu giữa An Giang với Hải Quan diễn ra đầy kịch tính khi 2 đội rượt đuổi tỷ số hấp dẫn sau 90 phút thi đấu. Chính Nhan Thiện Nhân đã lập hat-trick cho An Giang ở trận đấu hòa 3-3 này.
|
Từ vị trí đá biên đến mùa giải đội mạnh quốc gia năm 1991, Nhan Thiện Nhân được Ban huấn luyện và đồng đội tín nhiệm trao giữ băng đội trưởng và chuyển vào đảm nhận vị trí tiền vệ trung tâm. Vẫn là chiếc áo số 11 quen thuộc, Thiện Nhân tả xung hữu đột, liên tục lên công về thủ, thúc giục đồng đội và thể hiện sự nhịp nhàng trong lối chơi của mình. Chính tố chất “thủ lĩnh” đó của anh đã cùng với các đồng đội một thời như Trần Tấn Lợi, Trần Hoàng Linh tạo nên cảm xúc mãnh liệt trong lối chơi cho An Giang. Nhan Thiện Nhân đã giữ được lửa trong cách chơi như vậy suốt gần chục năm sau đó đến khi anh chia tay với đội vào năm 1999.
|
|
Xuất sắc trong vai trò dẫn dắt lối chơi trên sân và luôn có phong độ cao trong thi đấu nên đầu năm 1995, Thiện Nhân được gọi vào đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Tavarez tham dự Giải Cúp Độc Lập. Một năm sau anh lại được HLV Weigang gọi tiếp tục góp mặt trong chuyến đi tập huấn tại Đức để chuẩn bị Tiger Cup, vòng loại World Cup khi gặp Đảo Guam, Hàn Quốc... Anh cũng có mặt trong trận đấu giao hữu quốc tế trong đội hình xuất phát với số áo 21, trận gặp Juventus (Ý) trên sân Hàng Đẩy (Hà Nội). Đó là vinh dự lớn trong sự nghiệp quần đùi áo số của Nhan Thiện Nhân.
Anh kể lại “Đó là giai đoạn bóng đá Việt Nam có rất nhiều tài năng xuất sắc. Tôi may mắn được vài lần gọi lên tuyển và cũng đã chứng tỏ được khả năng của mình. Thời đó tuyến giữa của đội dự tuyển toàn là nhân tố hay như Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Liêm Thanh..nên khá chật chội, tính cạnh tranh cũng rất cao. Hơn nữa số lượng cầu thủ được đăng ký thi đấu chính thức khi đó chỉ có 18 người nên việc không chen chân được vào đội hình chính cũng là bình thường vì bất cứ HLV nào cũng phải ưu tiên cho cầu thủ có kinh nghiệm hơn. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã có khoảng thời gian đẹp học hỏi được nhiều điều bổ ích ở đội tuyển”
|
"Khoảng lặng" nghiệp cầm quân
Bóng đá An Giang cũng lắm thăng- trầm, cuộc đời của Nhan Thiện Nhân cũng giống như thế. Cuối mùa giải 1999, anh đi học Đại học TDTT chuyên ngành Bóng đá, đến năm 2002 thì quay lại sân cỏ- khi ấy đã 33 tuổi.
Năm 2005, Nhan Thiện Nhân lấy được tấm bằng cử nhân TDTT, chuyên sâu bóng đá, để bước theo nghiệp HLV và hoàn tất chứng chỉ bằng A của AFC. Sau vài mùa bóng làm trợ lý cho các chiến lược gia lão làng như Joachim Fickert và Nguyễn Kim Hằng rất nhiều lần sau đó anh trở thành “cascaduer” được chỉ định thay cho chiếc ghế HLV trưởng đội An Giang (thay Nguyễn Châu Hồng, Nguyễn Kim Hằng,...).
Đến mùa giải 2007, Nhan Thiện Nhân chính thức nhận chức HLV trưởng ngay từ đầu mùa bóng, với nhiệm vụ đưa An Giang trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Một nhiệm vụ mà chính anh đã chờ đợi từ lâu, một cơ hội để chính Nhân thực hiện giấc mộng giúp đội chủ sân Long Xuyên thăng hạng sau đúng 10 năm tụt hạng.
|
|
|
Trong sự nghiệp cầm quân của mình, Nhan Thiện Nhân cho biết “Vui cũng có nhưng đắng cay cũng rất nhiều. Vui khi đội nhà chiến thắng hoặc nếu không tìm được 3 điểm nhưng đá đẹp, chơi hay được khán giả vỗ tay yêu thích thì cũng là mãn nguyện rồi. Nhưng nhiều lúc có những nỗi buồn khó nói thành lời. Buồn khi không tìm ra VĐV phù hợp để đào tạo bổ sung, tạo tuyến kế thừa nên lực lượng nhiều khi hụt hẫng. Hoặc buồn về kết quả thì ít, nhưng buồn về cách hành xử trên sân của không ít trọng tài đã để lại nhiều vị chua cay. Nhiều lúc tôi phải cắn răng trước những tiếng còi oái oăm, đầy nghiệt ngã mà sự cố ngày 27.7.2014 đến giờ vẫn là 1 phần trong ký ức khó phai của tôi”
Ký ức ngày 27.7.2014 đó chính là trận An Giang- Than Quảng Ninh mà ông Nhân nhắc đến với hàng loạt sự cố xảy đến do tiếng còi méo mó của trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng khi cầu thủ 2 đội triệt hạ nhau trước sự ngó lơ và nhiều lúc thiên vị đội khách. Khán giả la ó, phản ứng dữ dội, còn ông Nhan Thiện Nhân đã không ít lần tỏ thái độ gay gắt trên sân với giám sát và trọng tài nhưng bất thành. Đỉnh điểm là bảo vệ sân tức quá bỏ luôn công việc của mình chạy vào sân toan hành hung trọng tài..
|
|
Bây giờ công việc của Nhan Thiện Nhân là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Huấn luyện thi đấu TDTT An Giang. Với chức năng chinh là quản lý, anh lùi về phía sau để tổ chức và đôi lúc làm trưởng đoàn và thường giao cho thế hệ đàn em trực tiếp cầm quân. Anh cho biết thêm: “Cái thời xưa, nhiều người đã tỏ ý chào mời về CLB Bóng đá khác, nhưng tôi vẫn khẳng định mình sinh ra và lớn lên trên mãnh đất quê hương Bác Tôn (Tôn Đức Thắng) nên chỉ muốn sống mãi trên quê hương đã nuôi tôi khôn lớn.
Dù tiền bạc bao nhiêu thì quê hương vẫn là chùm khế ngọt. Chính vì vậy tôi đang cùng thế hệ tiếp nối để gầy dựng bóng đá An Giang tốt hơn trong tương lai”. Chính dưới sự lãnh đạo trực tiếp của anh đội U.21 An Giang từng giành hạng nhì giải U.21 báo Thanh Niên năm 2015, hoặc góp công lớn xây dựng nên đội hình trẻ trung cho 2 lần hạng ba U.21 năm 2007, 2008.
|
Cuộc sống bây giờ đối với anh là ổn định trong ngôi nhà trong hẻm nhỏ cách sân bóng Long Xuyên chưa đầy 500m, đủ cho 2 vợ chồng cùng 2 đứa con trai (cháu lớn 21 tuổi- hiện sinh viên Trường Sư phạm TDTT TP.HCM, cháu nhỏ 15 tuổi- hiện chuẩn bị thi chuyển cấp lên THPT) ngày ngày tạo tiếng cười vui và ngập tràn hạnh phúc yêu thương
Bình luận (0)