Nhận trách nhiệm trước yếu kém của đất nước

23/03/2016 06:28 GMT+7

Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước đã thẳng thắn nhận phần trách nhiệm của mình trước yếu kém, hạn chế của đất nước trong Báo cáo nhiệm kỳ công tác ngày 22.3 trước kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13.

Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước đã thẳng thắn nhận phần trách nhiệm của mình trước yếu kém, hạn chế của đất nước trong Báo cáo nhiệm kỳ công tác ngày 22.3 trước kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa 13.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Thủ tướng, Ủy ban Pháp luật cho rằng mặc dù tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, KT-XH trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng đã bảo đảm phát triển KT-XH; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế...
Cần làm rõ do cơ chế hay người đứng đầu
Tuy nhiên, báo cáo Quốc hội (QH) trước đó, Thủ tướng đã thẳng thắn đánh giá, bên cạnh những thành công, bản thân ông và Chính phủ cũng nhận thấy năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển KT-XH còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.
“Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, quản lý một số khoản chi chưa chặt chẽ, vẫn còn nhiều lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm”, Thủ tướng nêu rõ. Dù tăng trưởng kinh tế năm 2015 cao nhất kể từ năm 2008, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, và bình quân chưa đạt kế hoạch đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 5 năm qua việc chăm lo đời sống cho nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, Chính phủ cũng chưa giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn. “Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; quản lý y tế tư nhân, thuốc chữa bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế, bất cập”, Thủ tướng cho hay. Trước bất cập còn tồn tại, Thủ tướng cho biết bản thân ông và Chính phủ đã sâu sắc rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khi trình bày báo cáo thẩm tra cũng lưu ý, phần báo cáo của Thủ tướng và Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa về tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. Đặc biệt, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng chưa được ngăn chặn...
Nợ công tăng cao, bội chi lớn
Trước đó, báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 13 của QH, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, bên cạnh thành tựu như QH thông qua Hiến pháp mới, quyết định chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt..., QH vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu... “QH cũng nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên theo Chủ tịch QH do nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân như: việc phân công một số lĩnh vực chưa rõ ràng dẫn đến việc các ủy ban chưa thực sự trách nhiệm, chủ động thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, tổ chức hữu quan còn chưa chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các bước trong việc tổ chức thực hiện tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH...
Trong phần báo cáo công tác nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết bên cạnh kết quả đạt được, trong phạm vi nhiệm vụ, chức năng được nhân dân giao phó, Chủ tịch và Phó chủ tịch có phần trách nhiệm trước hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Nguyên nhân, theo Chủ tịch nước, một số quy định của pháp luật liên quan đến vai trò, chức năng của mình chưa được rõ nên khi triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn như: Chưa có quy định về tổ chức của Hội đồng quốc phòng và an ninh; nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa trong các luật... Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, tham mưu mỏng nên phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác của Chủ tịch và Phó chủ tịch nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.