Theo CNN, bốn yêu cầu mà nhân viên Google đưa ra gồm: không phát thải vào năm 2030; không hợp đồng nào cho phép hoặc thúc đẩy việc khai thác nhiên liệu hóa thạch, vốn là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra khí thải nhà kính; không tài trợ cho các tổ chức, người vận động hành lang hoặc chính trị gia phủ nhận về biến đổi khí hậu; và không hợp tác với những tổ chức cho phép “giam giữ, giám sát, hất cẳng, hoặc áp bức người tị nạn hoặc cộng đồng những người bị ảnh hưởng đầu tiên bởi biến đổi khí hậu”.
Bức thư, đăng lên trang Medium bởi một nhóm tên Google Workers For Action on Climate, đã được hơn 1.100 nhân viên tại Google ký tên. Dựa theo báo cáo về biến đổi khí hậu của công ty mẹ Alphabet thì Ruth Porat có “trách nhiệm trực tiếp cao nhất cho hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu” với “khả năng tác động đến tất cả hoạt động của công ty”.
Hàng trăm nhân viên Google đã tham gia vào đợt diễu hành vì biến đổi khí hậu vào ngày 20.9, trước thềm hội nghị khí hậu tại Liên Hiệp Quốc. Giờ đây, họ tiếp tục tạo sức ép lên công ty về vấn đề này.
Một nhân viên được phỏng vấn chia sẻ anh nhận ra sự hỗ trợ của mình cho ngành kinh doanh dầu (theo công việc được bổ nhiệm) đã góp phần phát thải CO2, doanh thu anh tạo ra cho họ thì được dùng để tài trợ cho những chính trị gia phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu.
Một số dấu hiệu cho thấy Google đang lắng nghe nhân viên. CEO Sundar Pichai nói Google “có thể đạt khả năng không phát thải vào năm 2030”, một báo cáo từ tờ Financial Times chỉ ra. Tuy nhiên, trang The Guardian vừa đưa báo cáo khác cho thấy Google đã đóng góp lợi ích không nhỏ cho những tổ chức phủ nhận biến đổi khí hậu - một động thái khiến công ty bị chỉ trích.
Còn với Amazon, dưới áp lực từ nhân viên của mình, CEO Jeff Bezos đã tuyên bố một kế hoạch hành động vì khí hậu, bao gồm cam kết không phát thải vào năm 2040. Nhân viên của Bezos cho rằng đây là một “thắng lợi lớn” nhưng đồng thời nghĩ điều đó vẫn “chưa đủ”.
Bình luận (0)