Chị Phạm Thị Kim Tâm, chủ trường Giáo dục đặc biệt Tuổi Ngọc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc kể: Hôm nay, khi chúng tôi đến thì các nhân viên của khu Playtime ở lầu 4, Lotte Mart không cho vào với lý do sợ các em của trường chúng tôi đánh hay gây ảnh hưởng đến những bé khác.
Chị Tâm liền yêu cầu gặp người quản lý khu vơi chơi nhưng người quản lý không tiếp.
“Khu vui chơi mở ra là để cho tất cả các bé vào chơi mà người của Playtime lại làm như thế thì quá không công bằng. Họ không thể đối xử kỳ thị như vậy được. Họ còn bảo tôi phải ký xác nhận vào giấy cam kết đảm bảo an toàn cho các bé của trường tôi và các bé khác”, chị Tâm nói.
Được biết, cứ mỗi một em nhỏ của trường Tuổi Ngọc khi đến đây chơi đều có một giáo viên đi kèm để trông nom trong quá trình vui chơi nhưng các nhân viên tại khu vực trên vẫn không đồng ý.
Chị Tâm phải tranh luận quyết liệt, 30 em nhỏ của trường mới được vào chơi.
Được biết, khu vui chơi thiếu nhi Playtime do một công ty của Hàn Quốc quản lý, nằm ở tầng 4 của Trung tâm thương mại Lotte Mart.
Giải thích về sự cố trên, bà Kim Kang Hwa, quản lý người Hàn Quốc của Playtime nói: “Ở khu vui chơi Playtime có những trò chơi trên cao, không an toàn cho các em nhỏ khuyết tật. Ngoài ra do cuối tuần, lượng trẻ em đến đây chơi khá đông, nên có thể không an toàn cho các em nhỏ ở trường đặc biệt Tuổi Ngọc! Do vậy, chúng tôi không thể để các em vào chơi nếu không có phụ huynh hoặc giáo viên đi kèm”.
Bà Kim đính chính rằng, Playtime không cấm trẻ em khuyết tật vào chơi tại khu vực trên, song do các nhân viên truyền đạt lại không đúng ý của bà nên đã gây hiểu lầm đối với đoàn học sinh của trường Tuổi Ngọc.
Về phía trường Tuổi Ngọc, chủ trường Phạm Thị Kim Tâm nói thêm: “Mặc dù cuối cùng họ cũng để các em trường tôi vào nhưng thật sự là hôm nay các em đi chơi không được thoải mái, và riêng bản thân tôi, tôi rất bức xúc về cách hành xử của nhân viên khu vui chơi này. Họ quá phân biệt đối xử”.
Khi biết thông tin về việc con mình không được vào khu vui chơi Playtime, một phụ huynh bức xúc: “Chơi là quyền của trẻ con, đặc biệt, các em nhỏ khuyết tật càng cần được cho ra ngoài để hòa nhập với môi trường xã hội và hoàn toàn có quyền tiếp xúc với các em nhỏ khác để giao lưu. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu nhà trường đưa các em ra bên ngoài sinh hoạt, và những lần trước, ở những chỗ khác, con em chúng tôi được tiếp đón đàng hoàng”.
Sau sự cố trên, bà Kim Kang Hwa khẳng định: “Chúng tôi đã xử lý nghiêm với các nhân viên đã đối đãi không tốt với đoàn học sinh trường Tuổi Ngọc, đồng thời tôi sẽ đại diện công ty xin lỗi với lãnh đạo nhà trường cũng như các phụ huynh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sớm mời 30 em nhỏ của trường đến Playtime vui chơi thoải mái trong một dịp khác".
Trí Quang
Bình luận (0)