Sau khi học xong lớp khai thác bưu điện, đang chờ quyết định đi làm, là một đoàn viên ưu tú nên con tôi được chi bộ Đảng giới thiệu cho đi học lớp bồi đưỡng chính trị ở Quận ủy Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng). Sáng ấy, cháu ngồi sau xe honda bạn trai chở ra khỏi nhà chưa đầy 5 phút - cách nhà chừng 500m (đoạn trước cổng Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thì xảy ra TNGT, bạn trai chạy nhanh không làm chủ tốc độ, đâm phải đống cát, đầu xe quay ngược lại. Cậu bạn kịp nhảy ra khỏi xe nên chỉ bị sây xước nhẹ. Con tôi văng ra khỏi xe, rớt xuống đường. Chiếc ô tô đông lạnh vừa lúc đó chạy đến, cán lên chân con tôi và dừng lại… Người uống cà phê 2 bên đường chạy ra, ai cũng tưởng nạn nhân đã chết. Khoảng 5 phút sau, con tôi ngóc cổ lên gọi: “Các chú ơi, cứu cháu với”. Mọi người nghe tiếng gọi quen quen. Khi phát hiện ra đó là con tôi, ai cũng bủn rủn chân tay. Phải mất một khoảng thời gian để mọi người bàn tính cách lùi xe để cứu con tôi ra được… Nhưng than tôi! Cái lốp xe răng cưa khi lùi xe, đạp phanh nó đã chà hết chân con tôi….
Tôi nhận được điện thoại báo tin mà như sét đánh bên tai. Tôi choáng váng ngất xỉu. 3 giờ sáng, tôi chạy bộ ra đường đón xe thồ xuống bệnh viện. Đến phòng cấp cứu đã thấy cháu tôi và hơn 10 đứa bạn của cháu. Chúng không cho tôi lại gần, đứa thì dìu, đứa thì an ủi bảo tôi về nghỉ ngơi, rằng con tôi chỉ bị gãy chân, các bác sĩ đang bó bột, 1 tháng sau tháo bột sẽ đi lại bình thường. Chúng dồn tôi ra xe, chở về nhà không cho tôi ở lại bệnh viện. Tôi nghĩ phúc nhà mình, bó bột thì còn may quá… Đến chiều hôm đó, đồng chí bí thư, các đoàn thể vào nhà tôi đông lắm… Lúc này, mọi người mới nói thật: “Vết thương qua nặng nên bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ 1 chân để cứu sống cháu”. Tôi ù tai… ngất lịm lúc nào không biết…
Con tôi bị mất nhiều máu, bạn bè, những người thân quen, Đoàn thanh niên quận đều tình nguyện hiến máu cho con tôi kịp thời. Tôi ngồi đó như người không hồn, bỗng tôi nghe tiếng gọi vọng ra: “Mẹ ơi!”, nó thét lên thật đau đớn, tuyệt vọng. “Mẹ ơi! Chân con đâu rồi.. Ai lại cưa chân của con… Bác sĩ ơi! Trả lại chân cho con… trả lại chân cho con. Còn một chân con làm sao đi được”. Rồi nó lại ngất lịm đi và cứ thế lúc tỉnh, lúc mê.
2 lần phẫu thuật, 3 lần ghép da con tôi thương tật tỉ lệ 65% vĩnh viễn. Còn nhớ hôm công an mời vợ chồng tôi và bên đương sự đến làm việc, chồng tôi bảo rằng: “Em ký bãi nại cho họ lấy xe ra”. Bạn bè tôi can ngăn con tôi còn chưa biết sống chết ra sao mà ký, chồng tôi nói rằng: “Cái xe là cục sắt, nó đâu có tội gì. Con người mới là điều cần thận trọng!”. Không nói nhiều vì anh bảo rằng nỗi đau con gái đang chịu dù có trăm vạn tỉ thì chân con gái cũng không thể mọc ra được nữa. Rồi chồng tôi khóc như một đứa trẻ, và từ đó ông cạo đầu trọc như 1 ông sư.
Sau 2 tháng nằm khoa cấp cứu và khoa chăm sóc đặc biệt, 6 tháng ở khoa chỉnh hình tập luyện, làn thứ 2 con tôi lại tập đi ở tuổi tròn 20. Tôi vừa mừng, vừa tủi khi nó cất bước đi đầu tiên trong cái chân giả nặng nề, chậm chạp. Mặc dù được ba mẹ, anh em, bạn bè vỗ về túc trực bên cạnh nhưng đêm về, nỗi đau lớn lại khiến con tôi thật xót xa. “Mẹ ơi, con không muốn sống nữa đâu. Bạn bè con đi lại bằng đôi chân của mình, còn con thì khập khiễng bước thấp bước cao, chắc cơ quan cũng không nhận con vào làm việc nữa rồi…”. Nó ấm ức, khóc tuyệt vọng, một hai đòi chết. Tôi bạc cả tóc từ khi con gặp nạn. Mới hôm qua thôi, con tôi là một cô gái ngoan, khỏe mạnh, đẹp người đẹp nết, mái tóc dài như suối. Lúc ngủ với mẹ còn gác chân lên người mẹ. Nay nhìn xuống chỉ còn 1 chân làm tim tôi thắt lại.
...Rồi một đêm nó tâm sự: “Mẹ ơi! Con biết mẹ thất vọng vì con. Nhưng thôi mẹ nhỉ, Mẹ con mình cứ buồn, cứ khóc mãi cũng chẳng đem đến lợi gì. Đời không yêu mẹ con mình thì mẹ con mình yêu lấy đời mà sống phải không mẹ?”. Tôi ôm nó vào lòng nói trong nước mắt: “Con là tất cả của mẹ. Phúc nhà mình to lắm mới cứu được con. Mẹ chỉ mong con hãy vượt qua chính mình”.
Đúng thật, nó nói là nó làm. Con tôi rất mạnh mẽ và tự tin. Khi công an đến lấy thông tin hay làm phóng sự, nó đồng ý ngay. Nó còn chịu ra đương, vào quán uống cà phê với bạn bè trong ánh mắt tò mò của mọi người, không mặc cảm tự ti. Con tôi nói: “Con là bằng chứng sống về tuyên truyền an toàn giao thông để bạn bè con ngồi lên xe có ý thức hơn trong cuộc sống”. Không chịu khuất phục trước số phận, con tôi đã phải bươn chải đủ nghề để kiếm tiền nuôi bản thân và giúp mẹ nuôi em ăn học. Nó tham gia vào đoàn thanh niên khuyết tật đi thi đấu thể thao toàn quốc và Paragame 2 tại Việt Nam, được tặng thưởng 7 HCV. Cháu còn có năng khiếu viết văn, dự thi viết báo Hoa Học Trò đoạt giải đặc biệt toàn quốc, viết báo Thanh Niên đoạt giải 3 toàn quốc, thi Chiếc nón kỳ diệu vào vòng đặc biệt...
Nhưng! Nỗi đau dai dẳng còn đó. Là một người mẹ, nỗi thương con và luôn mong muốn cho con được hạnh phúc và ổn định tương lai lâu dài cứ vậy càng tăng gấp bội lần trong tôi…
Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn - Đó sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ích cho rất nhiều người vì an toàn giao thông. Bạn có thể tự viết bài hoặc nhờ phóng viên ghi lại câu chuyện của mình. Liên lạc qua email: nhanhmotphutchamcadoi@gmail.com hoặc điện thoại: 0935 538 777. |
Nguyễn Thị Thanh Liêm
(VP Đảng ủy P.Hòa Khánh Bắc, TP.Đà Nẵng)
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Nước mắt của mẹ
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Nỗi niềm mẹ già
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Thủ phạm mang tên 'quá chén
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Cú vấp ngã buồn
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Vướng lao lý vì vài giây lơ là
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Dằn vặt suốt đời vì vài giây ngủ gật
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Nỗi ân hận muộn màng
>> Nhanh một phút, chậm cả đời: Cuốc đi bộ đầu xuân... nhớ đời!
Bình luận (0)