LTS: Chỉ cần một chút sơ sẩy, chủ quan thì tai nạn giao thông có thể xẩy ra với bất cứ ai. Theo thống kê, số người chết vì TNGT ở Việt Nam còn nhiều hơn cả thiệt hại của chiến tranh. Xuất phát từ thực tế đó, chuyên mục “Nhanh một phút, chậm cả đời” trên trang Nhịp sống miền Trung sẽ ra mắt bạn đọc vào các số ngày thứ 2 và thứ 6 hàng tuần. Đây là những câu chuyện viết theo lời kể của người trong cuộc về những mất mát, hậu quả mà TNGT để lại cho bản thân và gia đình mình, mong rằng mỗi chúng ta có thể đúc rút được những kinh nghiệm thiết thực để tự dặn mình những khi tham gia giao thông.
|
Gặp tôi với cái đầu “chỗ lồi chỗ lõm”, anh Nguyễn Văn Khánh (45 tuổi, trú KP.2, P.Đông Lễ, TP.Đông Hà, Quảng Trị) cứ xuýt xoa mãi rằng: “Giá như hôm đó tôi đi bộ trên lề đường thì cớ sự đâu có xảy ra..”. Tôi hiểu sự hối tiếc đó bởi cái giá phải trả cho một phút bất cẩn của anh là khá đắt.
Tôi tìm về nhà anh Khánh nhờ sự giới thiệu của các cán bộ của đội CSGT (Công an TP.Đông Hà) với lời nhắn gửi: “Gặp Khánh để biết khi tham gia giao thông, chỉ sai một ly là đi một dặm...”.
|
Đi bộ… dưới lòng đường!
Anh Khánh bây giờ không “bi đát” như cách đây chừng 8 tháng trước, anh minh mẫn, nói năng lưu loát, nhưng cái đầu chằng chịt những đường khâu cũ, những vết sẹo đã “tự giới thiệu” anh là nạn nhân của một vụ tai nạn kinh hoàng.
Anh Khánh kể, đó là ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch vừa rồi, anh đi bộ từ nhà ra bến xe Đông Hà để đón xe lên thị trấn Khe Sanh (H.Hướng Hóa) du xuân. “Lúc ấy chỉ mới 6 giờ sáng, đường vắng người lắm nên tôi chủ quan không đi trên lề đường mà đi ngay giữa lòng đường, dù vẫn nép về phía phải. Bỗng tôi nghe một tiếng rầm và lăn quay ra đường mê man bất tỉnh”, anh Khánh rùng mình nhớ lại.
Về sau, anh mới được biết mình đã bị một chiếc xe khách tông thẳng từ phía sau rồi văng ra xa cả chục mét. “Trong cái rủi có cái may”, vừa hay có một tổ tuần tra của Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) đi ngang qua, họ lập tức đưa anh đi cấp cứu đồng thời giữ chiếc xe khách gây tai nạn lại. “Tôi được chuyển đi Huế ngay buổi sáng hôm ấy. Vào Bệnh viện TƯ Huế, các bác sĩ chuẩn đoán tôi bị tụ máu trên đầu, phải tách sọ mổ gấp”, Khánh vừa nói vừa lấy tay vuốt mồ hôi.
|
Cái giá của 1 lần chủ quan
Trước khi bị tai nạn, dù không giàu có nhưng gia đình anh sống được với một cửa hàng bán thịt nhỏ trong khu chợ xép gần nhà. Thời gian anh “cắm trại” trong viện cũng là lúc gia đình đầy xáo trộn. Vợ đành bỏ chợ để vào viện chăm sóc anh, con gái lớn là em Nguyễn Thị Hương Giang (20 tuổi) phải bỏ học trung cấp y tế giữa chừng để lo cho 2 đứa em nhỏ trong khi bố mẹ đều vắng nhà. Rồi chuyện tiền bạc, nợ nần, cứ xoay vần bên gia đình. Suốt gần 3 tháng trời nằm viện, tổng chi phí điều trị lên tới hơn 125 triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với gia đình anh. “Cũng an ủi là tài xế và nhà xe gây tai nạn đã hỗ trợ thanh toán và qua lại thăm nom tôi”, anh Khánh kể.
Đến khoảng tháng 5.2013 thì anh Khánh mới có thể trở về lại mái ấm gia đình. Nhờ sự yêu thương, tận tình của vợ con mà anh nhanh chóng bình phục, thậm chí còn tăng cân so với trước lúc xảy ra tai nạn. Duy chỉ có điều, Khánh vẫn chưa làm được những việc nặng mà chỉ dám đụng đến vài việc cỏn con trong nhà. Đến chiếc xe máy anh cũng ít dám sờ vào, phần sợ, phần vì vợ con cấm tiệt.
Anh kể có người “nói xóc” rằng: “Đi bộ trong trạng thái tỉnh táo mà bị tông đến toác đầu thì đúng là số...con rệp”. Anh không giận, bởi anh biết họ chưa hiểu được điều như anh đã ngộ ra: “Đi trên đường, mọi sự chủ quan đều có nguy cơ dẫn đến tai nạn. Có nhiều người chỉ chủ quan dù chỉ 1 lần trong đời như tôi là “dính” ngay đó thôi”. Phân tích dưới góc độ chuyên môn, một cán bộ CSGT cho hay: “Lỗi thuộc về cả 2 phía, phía xe khách thì rõ rồi nhưng anh Khánh cũng không hoàn toàn vô can. Anh Khánh đi giữa lòng đường chứ đâu đi trên vỉa hè”.
Còn riêng với Khánh, sau khi bị thần chết “vồ hụt”, anh bảo đã nhớ đời, có đi đâu cũng đi trên lề đường bên phải, giờ có cho bạc tỉ cũng không dám nhón chân xuống lòng đường...
Hãy kể cho chúng tôi câu chuyện của bạn - Đó sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp ích được cho rất nhiều vì An toàn giao thông. Bạn có thể tự viết bài hoặc nhờ phóng viên ghi lại câu chuyện của mình. Liên lạc qua email: nhanhmotphutchamcadoi@gmail.com hoặc điện thoại: 0935 538 777. |
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)