Thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan về lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 đã cho thấy nhiều biến động chỉ trong 7 năm ngắn ngủi. Đây là giai đoạn đầy biến động khi Thông tư 20/2011 về điều kiện nhập khẩu ô tô vừa có hiệu lực và cũng chính thức hết hiệu lực từ giữa năm 2016. Ngoài ra, việc miễn thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc có tỉ lệ nội địa hóa trên 40% trong khu vực ASEAN vào Việt Nam từ 1.1.2018 cũng tác động không nhỏ tới tình hình nhập khẩu chung.
Cụ thể, từ năm 2011 đến 2017 có khoảng 524 ngàn xe nhập khẩu nguyên chiếc các loại vào Việt Nam trị giá 11,58 tỉ USD, trung bình gần 75 ngàn xe mỗi năm. Tuy nhiên, diễn biến nhập khẩu theo từng năm lại không bằng phẳng như vậy. Trong đó hoạt động nhập khẩu xe lên đỉnh trong năm 2015 với 125,5 ngàn xe, chỉ giảm nhẹ còn 112,5 ngàn xe trong năm 2016 và xuống còn 97,2 ngàn xe trong năm 2017. Điểm trũng nhất là năm 2012 khi chỉ có 27,4 ngàn xe được nhập khẩu về Việt Nam giảm gần nửa so với năm 2011. Năm 2013 cũng không khá khẩm hơn là bao khi số xe nhập khẩu chỉ đạt 35,8 ngàn chiếc trị giá 753 triệu USD.
|
Trong số xe được nhập khẩu về Việt Nam trong giai đoạn này, có tới gần một nửa là xe dưới 9 chỗ ngồi với 205.014 chiếc, trung bình gần 30 ngàn xe mỗi năm. Kế đến là xe tải, chỉ tính riêng hai loại xe này đã chiếm tới 86% lượng xe nhập khẩu về Việt Nam, 14% còn lại thuộc về xe trên 9 chỗ ngồi và xe chuyên dụng. Cũng theo thống kê, lượng xe tải về Việt Nam thời gian gần đây tăng mạnh vượt cả xe dưới 9 chỗ ngồi do nhu cầu vận chuyển phục vụ nền kinh tế tăng vọt.
Do chiếm gần một nửa lượng xe nhập khẩu nên tình hình xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp tới bức tranh toàn cảnh. Riêng trong năm 2017, lượng xe nhập khẩu giảm mạnh từ 50.601 chiếc trong năm 2016 xuống còn 38.832 chiếc trong năm 2017. Đây cũng là năm đầy biến động của thị trường xe hơi trong nước ảnh hưởng trực tiếp tới cả xe nhập khẩu lẫn lắp ráp trong nước. Trong đó, hoạt động nhập khẩu xe giảm mạnh không chỉ bởi nhu cầu mua xe giảm từ phía người dân mà doanh nghiệp cũng có động thái cầm chừng cùng chờ ưu đãi thuế.
|
Đáng chú ý, mặc dù hoạt động nhập khẩu trồi trụt bất thường theo từng năm nhưng giá trị nhập khẩu của xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi lại có xu hướng tăng, đặc biệt là từ năm 2015 đến 2017. Trong đó thay vì dao động quanh mức 11 ngàn USD/chiếc trước năm 2015, tới năm 2016 con số này tăng lên 14 ngàn USD/chiếc và đạt 18 ngàn USD/chiếc trong năm 2017. Cá biệt nếu tính riêng quý I năm 2018 con số này tăng lên 22 ngàn USD cho mỗi chiếc xe về Việt Nam.
Việc giá trị xe nhập khẩu dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây không chỉ phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng nơi người dân có thu nhập cao hơn nhu cầu mua xe “xịn” hơn mà còn phản ánh xu hướng nhập khẩu xe. Trong đó, nhiều mẫu xe giá rẻ đang dần được chuyển sang lắp ráp chủ yếu thuộc Trường Hải và Hyundai Thành Công. Nhiều nhà sản xuất như Toyota, Honda… lại chuyển sang nhập khẩu một số dòng xe đắt tiền hơn như Honda Civic, CR-V hay Toyota Fortuner.
Ngoài ra, hầu hết các thương hiệu xe sang không chịu nhiều ảnh hưởng từ miễn thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục duy trì hoạt động bán hàng bình thường cũng là lý do khiến giá trị xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh từ năm 2016. Dự kiến, trong năm nay giá trị xe nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng số lượng có thể không được như kỳ vọng.
Bình luận (0)