>> Nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo
>> Nhập nhằng liên kết đào tạo: 5 năm đào tạo không phép
>> 5 giáo viên nước ngoài khởi kiện RAFFLES Việt Nam
Không biết trái phép
Cách đây 2 ngày, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT không công nhận bằng cấp 2.000 cử nhân, thạc sĩ trong các chương trình liên kết đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội với nước ngoài. Đây là một trong vô số chương trình liên kết đào tạo với các đơn vị có yếu tố nước ngoài hoạt động trái phép hoặc sai phạm. Khi phát hiện, biện pháp xử lý của Bộ thường là ngừng tuyển sinh, yêu cầu đơn vị đào tạo hoàn học phí cho người học và đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục xem xét không công nhận bằng cấp.
|
Chị Võ Thị Thảo Linh - Giám đốc đào tạo nhân lực cho một công ty của Nhật tại Việt Nam, một sinh viên tốt nghiệp năm 2010 tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffles Hà Nội bị đình chỉ đào tạo từ tháng 1.2012, bức xúc: “Tôi cũng đã tìm hiểu một số trường quốc tế tại Việt Nam nhưng quyết định theo học tại trung tâm này vì thấy đây là tập đoàn giáo dục lớn nhất trong khu vực với 38 trường CĐ và ĐH tại 14 quốc gia. Nếu Bộ không công nhận bằng cấp đó thì sẽ là thiệt thòi lớn cho chúng tôi!”.
Vả lại, hầu hết các học viên đều thừa nhận họ không thể biết những chương trình của Raffles tại Việt Nam cũng như của các đơn vị khác là không phép. Bởi các đơn vị này đều hoạt động công khai. Không chỉ vậy, nhiều người có uy tín trong ngành giáo dục Việt Nam cũng tham gia vào hoạt động của các đơn vị này. Chẳng hạn chủ tịch ban cố vấn của Raffles từng là nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Phải tự bảo vệ?
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên làm thế nào người học biết được chương trình liên kết nào chưa được công nhận? Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Người học cần tìm hiểu kỹ chương trình dự kiến theo học. Trước hết phải xem chương trình liên kết hoặc các cơ sở đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép như thế nào? Ai cấp phép? Đối tác Việt Nam và nước ngoài như thế nào?". Ông Vang nhấn mạnh: “Họ có thể kiểm tra các chương trình liên kết đào tạo đã được Bộ cấp phép trên trang web của Cục, hoặc nếu còn hoài nghi thì có thể liên hệ các cơ quan cấp phép để được tư vấn”.
Điều đáng nói là dù học viên có tìm hiểu từ website của Cục Đào tạo với nước ngoài thì cũng không có thông tin đầy đủ vì hiện nay có vô số chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do các đơn vị khác cấp phép hoạt động. Nghị định 18 của Chính phủ quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ mới chỉ quản lý được những đơn vị thuộc sự quản lý của mình. Còn lại những chương trình liên kết diễn ra tại các trường thuộc sự quản lý của bộ, ngành khác và các trường được tự chủ trong cấp phép lại ngoài tầm quản lý của Bộ.
Tiền mất, tật mang
Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 77 ngày 20.12.2007 ban hành quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Theo đó, văn bằng của các chương trình liên kết đào tạo trái phép sẽ không được công nhận tại Việt Nam. Như vậy, dù lỗi không phải do mình gây ra nhưng học viên vẫn phải nhận hậu quả: Bằng cấp không được thừa nhận trong nước. Đó là chưa kể, dù Bộ có yêu cầu các đơn vị bồi hoàn học phí cho học viên nhưng thời gian qua, có rất ít đơn vị sai phạm thực hiện điều này.
Khi đặt vấn đề trong trường hợp người học không được các đơn vị sai phạm bồi thường thì Bộ có can thiệp không? Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: “Khi xử lý các đơn vị vi phạm, Bộ luôn quan tâm đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người học. Việc xử lý nghiêm một số đơn vị vi phạm xét cho cùng cũng là để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người học. Riêng việc bồi thường thì đây là trách nhiệm dân sự giữa cơ sở vi phạm và người học nên người học có quyền yêu cầu cơ sở phải làm. Bộ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp yêu cầu cơ sở vi phạm thực hiện đúng kết luận thanh tra và các quyết định xử phạt”.
Vũ Thơ
Bình luận (0)