Học từ xa, tặng máy tính bảng
Thay vì liên kết đào tạo với một đối tác của nước sở tại, hiện nay các trường ĐH nước ngoài mở tràn lan chương trình đào tạo từ xa tại VN. Hình thức đào tạo này từ trước tới nay ít được các cấp quản lý theo dõi sát sao.
|
Chương trình đào tạo từ xa của Trường ĐH Công nghệ Moscow (MTI) hiện quảng bá tràn lan trên nhiều phương tiện thông tin. Theo quảng cáo, đây là chương trình đào tạo hiện đại, bao gồm rất nhiều hệ: cử nhân, thạc sĩ, thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), chương trình chuyển đổi ngành… Học viên ở VN và học theo chương trình đào tạo từ xa từ nước Nga.
Học phí của chương trình chia theo từng cấp học, từ 990 - 19.300 USD (MBA chính quy quốc tế). Đặc biệt, đối với học viên do công ty cử đi học, trường còn có mức chiết khấu từ 2 - 20% tùy theo số lượng người. Để tạo thêm hấp dẫn, trường sẽ tặng máy tính bảng cho người đăng ký học trước ngày 15.7 và đóng học phí từ 990 USD trở lên. Sau đó lại tiếp tục thông báo sẽ tặng máy tính bảng nếu học viên đăng ký trước ngày 15.8!
|
Đóng vai là một học viên muốn đăng ký học, chúng tôi gọi điện đến văn phòng đại diện của MTI tại VN. Tư vấn viên cho biết học viên sẽ nộp hồ sơ tại VN nhưng đóng học phí theo tài khoản của trường tại Nga. Học viên sẽ có một tài khoản, trải qua một cuộc kiểm tra ngoại ngữ, sau đó, mọi kỳ thi đều diễn ra trên cổng thi trực tuyến của trường. Ngay cả khi làm luận văn, người học cũng sẽ làm tại VN, gửi thư điện tử qua Nga và bảo vệ tại VN.
Chúng tôi cũng đã tìm đến trụ sở của đại diện MTI tại VN (cao ốc Capital Place, số 6 Thái Văn Lung, Q.1, TP.HCM). Đó là một phòng khoảng 24 m2, có 3 bàn cho 3 nhân viên làm việc. Chúng tôi đề nghị gặp trưởng văn phòng thì nhân viên ở đây cho biết đã sang Nga công tác!?
Học MBA không cần bằng đại học
Một điều đáng lo ngại là chương trình đào tạo từ xa của các trường nước ngoài tại VN hiện nay lại ủy quyền cho nhiều trung tâm du học đứng ra quảng bá và chiêu sinh. Trong khi chức năng của các trung tâm này chỉ là tư vấn du học. Chính vì vậy nhiều trung tâm tư vấn thiếu khách quan, khoa học, chủ yếu nhằm lôi kéo học viên.
Chúng tôi liên lạc với Trung tâm du học Blue Ocean, nơi tự nhận là đại diện tuyển sinh của ĐH Wales (Anh), với mục đích tìm hiểu thông tin. Nhân viên của trung tâm cho biết đây là chương trình học trực tuyến, học viên nhập học sẽ được cấp một tài khoản để học từ xa trên mạng. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho biết muốn đăng ký học chương trình MBA thì được tư vấn sẽ học 24 tháng với học phí 15.800 SGD (đô la Singapore). Nếu chưa có bằng IELTS, TOEFL, chỉ cần làm một bài kiểm tra trình độ tiếng Anh. Trong thư điện gửi đến cho chúng tôi, nơi này cũng cho biết, nếu học viên chưa tốt nghiệp đại học nhưng có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc liên quan đến chương trình cũng được chấp nhận!
Tương tự, tại Trung tâm Orchard Edu Group, nhân viên cũng tư vấn trung tâm hỗ trợ đào tạo trực tuyến có liên kết với Trường ĐH Anglia Ruskin - cấp bằng cử nhân và ĐH Sunderland - cấp bằng thạc sĩ (Anh). Học viên sẽ học theo hình thức đào tạo từ xa. Riêng chương trình học MBA do ĐH Sunderland cấp bằng, học viên không cần có bằng ĐH mà chỉ cần tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, tư vấn viên đã “bỏ nhỏ” với chúng tôi rằng có thể xin giấy chứng nhận này từ bất kỳ công ty quen biết nào có thời gian hoạt động 5 năm trở lên. Đã có rất nhiều học viên tại trung tâm sử dụng cách này để đăng ký học. Đặc biệt là trên website của trung tâm, thời gian học MBA theo hình thức đào tạo này chỉ từ 6 - 8 tháng.
Chưa được phép vẫn chiêu sinh
Trong quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, của Bộ GD-ĐT có ghi rõ “Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”. Trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, chúng tôi được biết các chương trình đào tạo từ xa tại ĐH Công nghệ Moscow, ĐH Wales, ĐH Sunderland tại VN đều chưa có phép của Bộ. Thế nhưng các chương trình này vẫn đang tồn tại và thu hút nhiều người học thông qua các trung tâm tư vấn du học như đã phản ảnh.
Một điều đáng chú ý là bằng cấp của các chương trình đào tạo từ xa này hầu như không ghi hệ đào tạo từ xa và cũng không ghi địa chỉ học tại đâu. Đây là chiêu mà các tư vấn viên hay đại diện trường thường dùng để tư vấn học viên. Với tấm bằng ghi mập mờ loại hình đào tạo, đơn vị sử dụng lao động không thể biết được giá trị thật của bằng cấp này. Đó là chưa kể, với việc xét tuyển đầu vào và đào tạo quá dễ dãi, không loại trừ khả năng có trường hợp “học giả bằng thật”. Do không có cơ chế kiểm soát nên học viên có thể nhờ người làm bài kiểm tra hết môn, thậm chí nhờ làm luận văn tốt nghiệp mà vẫn đàng hoàng nhận bằng cấp của một trường nước ngoài!
Thiếu thông tin
Trao đổi với Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện tại Bộ chỉ mới cho phép cho Hội khuyến học đào tạo từ xa liên kết với trường nước ngoài. Nhưng đây mới chỉ là thí điểm và được kiểm soát rất chặt chẽ. Bằng cấp của chương trình đào tạo từ xa bắt buộc phải do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng xem xét, sau đó Bộ cho phép đào tạo. Khi đó, bằng cấp đó mới có giá trị sử dụng tại VN”. Hiện nay chỉ mới có các chương trình liên kết của một trường ĐH, CĐ tại VN với trường nước ngoài do Bộ cấp phép được liệt kê công khai trên website của Bộ. Những chương trình có yếu tố nước ngoài khác vẫn chưa công khai rõ ràng. Chính vì vậy, thời gian vừa qua khi Bộ xử phạt các trung tâm Raffles, ILA, IABM, ERC đào tạo nhiều chương trình chưa có phép, nhiều phụ huynh bất ngờ vì không thể tìm ở đâu thông tin về tính hợp pháp các chương trình đào tạo này. |
Đăng Nguyên
>> Dừng các chương trình liên kết đào tạo trái phép
>> Dừng hoạt động 2 cơ sở đào tạo trái phép
>> Dừng tuyển sinh 15 chương trình liên kết
>> Chương trình Liên kết Đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM & ĐH Victoria (New Zealand)
>> Ngày hội thông tin chương trình liên kết quốc tế - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
>> Liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch
>> Nhập nhằng liên kết đào tạo: Buông lỏng quản lý
>> Đại học Việt Nam, các chương trình liên kết Quốc tế, du học
>> Nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo
>> Nhập nhằng liên kết đào tạo: Người học chịu thiệt
>> Nhập nhằng liên kết đào tạo: 5 năm đào tạo không phép
Bình luận (0)