Tiếp tục hướng dẫn chính sách liên quan đến Luật Quốc tịch, Luật gia Lê Văn Hà (Hà Nội) trao đổi chi tiết về trường hợp nhập quốc tịch cho người Việt Nam ở nước ngoài
Cho phép người Việt sống ở nước ngoài có thể xin giữ quốc tịch Việt Nam
Nguyên tắc của Luật Quốc tịch là công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng của nhiều người Việt Nam sống ở nước ngoài, trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam mong muốn có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài. Luật Quốc tịch cho phép người Việt sống ở nước ngoài có thể xin giữ quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định của Luật Quốc tịch, những người có đồng thời quốc tịch Việt Nam và nước ngoài trước ngày 1/7/2008 phải đăng ký để giữ quốc tịch Việt Nam (trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực) nhằm bảo vệ lợi ích của công dân, nhất là khi cần bảo hộ công dân đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Như vậy, người dân có trách nhiệm phải tự chứng minh bằng các loại giấy tờ tùy thân, còn cơ quan nhà nước chỉ tiến hành xác minh trong các trường hợp đặc biệt. Quy định như vậy, vừa tăng cường ý thức của người dân về quốc tịch của mình, vừa giúp cơ quan Nhà nước đỡ “vất vả” trong điều kiện chưa có cơ sở dữ liệu chung để xác định tình trạng quốc tịch Việt Nam của đương sự.
Thực hiện thủ tục tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
Luật gia Lê Văn Hà phân tích, thực tế hiện nay đa số người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người đã có quốc tịch nước ngoài (không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu Việt Nam không còn giá trị sử dụng), nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam, những người này có thể thực hiện thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam để cho những người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài không bị mất quốc tịch sau ngày 1/7/2014. Các đối tượng này có thể thực hiện thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Một trong những bài toán đặt ra là chỉ có một số lượng không nhiều bà con định cư ổn định ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn hạn sử dụng, có một số ít người còn giữ được giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của họ (giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh thư, chứng nhận kết hôn...), còn lại hầu hết các trường hợp đều không còn giấy tờ để chứng minh quốc tịch Việt Nam của mình.
Vì thế, nếu người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định và phải được đóng dấu treo của cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Chính cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thẩm tra hồ sơ xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch nhằm kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ trong hồ sơ và tính xác thực của các thông tin về người xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh nếu thấy những điểm chưa rõ ràng, thiếu chính xác về các thông tin của người nộp hồ sơ như: họ, tên, địa chỉ, quan hệ gia đình, mục đích xin nhập, xin trở lại, xin thôi quốc tịch, thông tin chứng minh về sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Việt Nam hoặc các thông tin khác liên quan.
Riêng đối với trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam, thời hạn của giấy tờ bảo đảm cho nhập quốc tịch thuộc diện được miễn xác minh về nhân thân là 120 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ; đối với trường hợp phải xác minh về nhân thân thì thời hạn là 150 ngày.
Theo luật gia Lê Văn Hà, nếu thực hiện được đúng như pháp luật về quốc tịch thì đến 2014 sẽ không còn trường hợp nào có đủ điều kiện mà không được nhập quốc tịch Việt Nam, từ nay đến thời điểm đó tất cả các trường hợp tồn đọng như trên sẽ được giải quyết đúng pháp luật.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)