Nhập siêu bất ngờ quay lại, mừng hay lo?

05/06/2024 06:27 GMT+7

Sau gần 2 năm xuất siêu liên tục, VN đã nhập siêu trở lại vào tháng 5.2024 với 1 tỉ USD. Thế nhưng thay vì lo lắng, nhập siêu lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Nhập khẩu nguyên liệu tăng vọt, sản xuất phục hồi

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 32,81 tỉ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng nhanh hơn, đến 29,9% so với cùng kỳ, ước đạt 33,81 tỉ USD. Kết quả, VN có tháng nhập siêu sau gần 2 năm chỉ xuất siêu.

Hai năm trước, tháng 5.2022, cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận nhập siêu ở mức 2,02 tỉ USD, gấp đôi con số nhập siêu hiện tại.

Đi vào chi tiết, số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất đạt giá trị tăng cao, như điện thoại và linh kiện tăng 55%; sắt thép tăng 50%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 39%; xăng dầu tăng 34,6%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 33,7%...

Nhập siêu bất ngờ quay lại, mừng hay lo?- Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, nhập siêu lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế

ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhìn vào các mặt hàng nhập siêu có thể thấy, đa phần là nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, đồng nghĩa với việc kinh tế đang phục hồi, đơn hàng đã tăng trở lại. Điều này cũng khá tương đồng với khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) VN do S&P Global vừa công bố hôm 3.6. Chỉ số này cũng ghi nhận sản xuất của VN tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5. Trong đó, hoạt động mua sắm đầu vào tăng tháng thứ 2 liên tiếp.

"Số lượng đơn đặt hàng mới lại tăng mạnh trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu đang được duy trì, thúc đẩy sự tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ hơn trong tháng 5", Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá.

Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tháng 5 nhập siêu, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, thì cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu. Theo đó, xuất khẩu tăng 15,2%, nhập khẩu tăng 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu hơn 8 tỉ USD, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (xuất siêu 10,2 tỉ USD).

Nhập siêu bất ngờ quay lại, mừng hay lo?- Ảnh 2.

Sau 23 tháng, VN nhập siêu hơn 1 tỉ USD trong tháng 5

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu quay lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể là dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh.

"Đây là chỉ báo cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới", Tổng cục Thống kê nhận định.

Sản xuất phục hồi, đơn hàng tăng

Báo cáo vĩ mô mới cập nhật của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) khá lạc quan khi cho rằng nhập siêu nên mừng hơn lo. "Nhìn sơ qua, có vẻ đây là tin buồn vì sẽ làm gia tăng áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng từng số liệu, đây lại có thể là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Đặc biệt, nhập khẩu tăng mạnh với các nhóm hàng sản xuất có thể là "bước đi trước của xuất khẩu", là tín hiệu lạc quan. Chẳng hạn, nhập khẩu linh kiện điện tử, máy tính, máy móc thiết bị tăng 20 - 50% trong riêng tháng 5 sẽ giúp xuất khẩu các mặt hàng này tăng từ 20 - 30% trong nửa cuối năm nay. Tương tự, nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may tăng đến 33% trong tháng 5 và tăng hơn 20% trong 5 tháng báo hiệu đơn hàng sẽ tăng tốt trong thời gian còn lại năm nay", theo báo cáo.

Bổ sung cho đánh giá sản xuất tăng, theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC, phụ trách điện của 21 tỉnh thành phía nam), trong tháng 5, điện thương phẩm thuộc nhóm khách hàng công nghiệp xây dựng (sản xuất) tăng cao gần 18%, lên 720 triệu kWh so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi điện sinh hoạt tháng 5 chỉ tăng 2,64% so cùng kỳ. Tính lũy kế 5 tháng, điện sản xuất cũng tăng gần 12,8% so cùng kỳ.

Nhập siêu bất ngờ quay lại, mừng hay lo?- Ảnh 3.

Đơn hàng dệt may tăng mạnh trong tháng 5

Ng.Nga

Đại diện EVNSPC cho biết, tiêu thụ điện sinh hoạt trong tháng 5 đã "hạ nhiệt" đáng kể, song khối khách hàng dùng điện trong sản xuất tăng rất mạnh. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, phục hồi kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực.

"Trong tháng 5, các tỉnh có tỷ trọng cao về công nghiệp, xây dựng có dấu hiệu hồi phục sản xuất mạnh mẽ như Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai... Trong bối cảnh đó, EVNSPC và các đơn vị vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân", đại diện EVNSPC thông tin.

Khảo sát ngành may mặc, ngành có tỷ lệ nhập khẩu tăng mạnh, cũng cho kết quả tương tự. Theo Hiệp hội Dệt may VN, đơn hàng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm tăng khoảng 15%, nhiều thị trường giảm mạnh nay đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho hay hàng may mặc sang thị trường châu Âu giảm mạnh trong 2 năm qua, nay phục hồi và tăng 10 - 20% nhờ thay đổi cách tiếp cận của doanh nghiệp (DN). Cụ thể, đơn vị này sang tận nơi, giới thiệu, chào giá và thực hiện những đơn hàng phong phú chủng loại. Giá cả tuy bị ảnh hưởng lớn bởi chi phí đầu vào, nhưng đã cải thiện phần nào, nhích nhẹ khoảng 3% so với cuối năm ngoái. Tương tự, theo Hiệp hội Da giày - Túi xách, xuất khẩu giày dép tăng 16% so cùng kỳ năm ngoái. Việc "đói" đơn hàng đã được khắc phục, nhiều DN tuyển lao động liên tục.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, có ý kiến tương đồng: "Nhập siêu tăng trở lại trong tháng 5, theo tôi là điều đáng mừng, chưa có gì phải lo. Bởi đa số cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tăng đều phục vụ sản xuất, công nghiệp. Diễn biến này cho thấy các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế tiếp tục phục hồi vững chắc, cũng như đơn hàng nước ngoài đang được nối trở lại, quan trọng hơn là xu thế tăng trưởng khá bền vững".

Ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý: Về lý thuyết, khi nhập khẩu hàng hóa cao hơn xuất khẩu, sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá tăng tăng 4,5%, cao hơn so với kế hoạch dự kiến trong năm là tăng 3%. Tháng 5 lại xuất hiện nhập siêu, theo đó, DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất chịu áp lực không nhỏ. Trong khi tiền đồng của VN từ đầu năm đến nay chịu áp lực giảm giá so với USD, nhưng nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực thậm chí còn mất giá nhiều hơn, dẫn đến việc tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền này, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh thương mại.

TS Việt đánh giá: "Nhập khẩu tăng mạnh sẽ gây áp lực lên tỷ giá, khiến nhà điều hành phải sử dụng nhiều biện pháp can thiệp, trong đó đã phải cung ứng thêm ngoại tệ ra thị trường. Tuy nhiên, việc kiềm chế tỷ giá quá mức cũng có thể gây tác động tiêu cực lên lợi thế cạnh tranh thương mại. Do đó, tìm một chính sách ứng phó với tỷ giá theo hướng cân bằng trong bối cảnh đồng tiền của các nước đều suy yếu so với USD là điều quan trọng nhất hiện nay. Ngoài ra, ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của VN đều phải nhập khẩu".

Trong thực tế, tất cả những hàng hóa nhập khẩu phải trả bằng USD nên khi giá USD tăng, giá hàng hóa mua về đến VN quy ra tiền Việt tăng theo. Một nghiên cứu thực tế tại VN đã chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Chẳng hạn, cứ 1% mất giá đồng VN thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy, nếu mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024 đến hết tháng 4, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Đó là chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên theo giá xăng dầu tăng của thế giới… Từ đó, TS Việt lưu ý nhập khẩu tăng cũng đẩy nguy cơ lạm phát tăng.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý nhập siêu xuất hiện trong 1 tháng "chưa đáng lo ngại", bởi tính chung 5 tháng, xuất siêu vẫn đạt hơn 8 tỉ USD. TS Thịnh phân tích: Các tín hiệu cho thấy sự phục hồi đơn hàng của DN tương đối tốt. Dự báo trong tháng tới, nhập siêu có thể tiếp tục tăng do đà tăng nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu của DN. Từ tháng 4, chênh lệch tỷ giá USD so với tiền đồng VN có lúc gần 5% khiến nhiều lo ngại cho DN xuất nhập khẩu. Theo đó, lợi nhuận của DN xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng giảm, DN nhập khẩu lại bị áp lực chi phí sản xuất, đầu tư tăng cao hơn dự toán.

"Quan trọng nhất là lạm phát đang ở mức khá cao. Tuy tháng 5 chỉ tăng 0,05% so với tháng 4, song tính chung 5 tháng, lạm phát lên đến 4,04%. Thế nên, việc điều hành kéo mức chênh lệch tỷ giá xuống để kiềm lạm phát ở mức từ 3,8 - 4,2% là tốt. Nếu nhập khẩu tăng liên tục trong những tháng tới, tỷ giá hối đoái tăng, chi phí du lịch, đi lại những tháng hè tăng, lương tăng từ ngày 1.7, rồi chi phí giáo dục tăng từ tháng 9, giá điện có thể tăng trong thời gian tới..., việc kiềm chế lạm phát sẽ là thách thức lớn", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các DN phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các DN còn hoạt động. Trong thời gian tới, ông Việt khuyến cáo VN cần tăng giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ hai, ưu tiên cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho DN, khuyến khích DN quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho DN cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Thứ ba, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Cần tăng chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Thứ tư, thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng. Thứ năm, nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các DN VN. Đồng thời, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và khả năng hội nhập, tham gia sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa trong các sản phẩm hàng hóa nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu.

5 tháng đầu năm, xuất siêu 8 tỉ USD

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa vẫn giữ xu hướng xuất siêu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,5 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,8 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,8 tỉ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8 tỉ USD. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức xuất siêu 10,2 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,3 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,3 tỉ USD.

Trong nhiều tháng qua, thống kê cho thấy chúng ta tăng nhập nguyên phụ liệu về để phục vụ sản xuất và xuất khẩu chứ không riêng gì tháng 5. Nghĩa là VN vẫn phải nhập một lượng lớn hàng hóa về phục vụ tiêu dùng nội địa và nhập siêu cũng có thể đến từ giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng, phải chi nhiều ngoại tệ hơn để mua hàng hóa. Thế nên, nhập siêu đã gây áp lực ít nhiều lên lạm phát và chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng nhập khẩu lạm phát. Khi tỷ giá tăng cao, việc nhập khẩu lạm phát đồng nghĩa đẩy lạm phát trong nước tăng từ đây đến cuối năm. Giải pháp là phải ổn định tỷ giá, tránh để tăng quá cao. Để giảm nhập khẩu lạm phát, ổn định được vĩ mô thì giải pháp từ nay đến cuối năm không phải là tăng trưởng mà là ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, ổn định lạm phát. Ổn định vĩ mô liên quan ổn định thị trường vàng là cần quan tâm, trong đó tính đến bài toán nhập khẩu vàng hợp lý…

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh tế TP.HCM)

Nhập siêu bất ngờ quay lại, mừng hay lo?- Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.