Tuần lễ phóng viên trẻ do câu lạc bộ phóng viên trẻ trực thuộc Đoàn Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tổ chức.
Trải qua nhiều vòng thi gây cấn, 5 thí sinh xuất sắc nhất đã vào chung cuộc tranh tài thử đóng vai phóng viên trong cuộc họp giao ban với ban biên tập. Ngay tại sân khấu, mỗi thí sinh đóng vai phóng viên thuộc 1 ban bất kỳ và sẽ phải báo cáo đề tài với ban biên tập, chính là các giám khảo trong đêm chung kết. Buổi họp diễn ra mà không có kịch bản trước cho phần chất vấn và thử thách của ban giám khảo.
|
Dù chưa phải là các phóng viên chuyên nghiệp, nhưng các thí sinh đã để lại nhiều ấn tượng với phần báo cáo đề tài, tranh luận và bảo vệ đề tài của mình trước ban giám khảo.
Thí sinh Châu Tấn Hiệp (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trong vai phóng viên mảng đời sống, báo cáo thực hiện đề tài phóng sự về những phận đời bốc vác ở chợ Đầu Mối. Tấn Hiệp chia sẻ rất muốn và thích được nhập vai để viết những loạt bài phóng sự về những góc khuất của cuộc sống.
Tuy nhiên, với phần báo cáo và bảo vệ đề tài của Hiệp thì ban giám khảo đánh giá là còn quá chung chung vì anh chàng chưa xác định được cụ thể sẽ làm như thế nào, khai thác những tuyến nhân vật và câu chuyện ra sao.
|
Còn Nguyễn Phạm Xuân Thy (Trường ĐH Luật TP.HCM) báo cáo đề tài về thực trạng dùng mạng xã hội để bạo lực tinh thần người khác. Xuân Thy lấy dẫn chứng từ câu chuyện nữ sinh Phạm Song Toàn (11A1 trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM) và câu chuyện tự tử của nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến. Theo Thy, lý do cô nàng chọn đề tài này để thực hiện vì cả 2 câu chuyện đều đang rất nóng trên mạng xã hội nên sẽ thu hút được view cho tờ báo. Và thứ 2, đối tượng hướng đến sẽ là học sinh, sinh viên vì những đối tượng này sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhưng lại không biết cách sử dụng. Thường dùng những lời lẽ, bình luận tiêu cực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của người khác.
Về đề tài này, thí sinh Hoàng Bảo phản biện là sự kiện không còn mới và đã tạm lắng xuống, thì liệu rằng có nên khai thác nữa không? Thì Xuân Thy bảo vệ: “Mình chỉ mượn 2 sự kiện đó để nói lên vấn đề bạo lực tinh thần trong giới học đường. Sự kiện có thể cũ nhưng vấn đề thì không bao giờ cũ”.
Không những thế Xuân Thy còn báo cáo rõ hướng sẽ viết như thế nào, gồm những nội dung cụ thể ra sao. Chính những điều này đã gây ấn tượng mạnh cho ban giám khảo và được đánh giá rất cao về phần dự thi của mình, Xuân Thy đã giành được giải nhất chung cuộc của cuộc thi.
|
Vốn là sinh viên ngành luật, nhưng Thy lại rất đam mê làm báo. Thy cho biết từ năm học lớp 6 đã tham gia cộng tác cho câu lạc bộ phóng viên nhí.
“Từ nhỏ mình rất thích đọc báo, rồi từ đó tò mò không biết những phóng viên làm như thế nào để ra được những sản phẩm như thế này. Thế là bắt đầu tìm hiểu và từ đó đam mê của mình lớn dần”, Thy chia sẻ và cũng không giấu được cảm xúc hạnh phúc: “Lần đầu tiên trong cuộc đời mình có cảm giác được làm một phóng viên thực sự, khi được tham gia một cuộc họp giao ban giả định như thế này”.
|
Giành giải nhì là thí sinh Phùng Hạo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), và giải 3 thuộc về thí sinh Châu Tấn Hiệp (sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Bên cạnh đó, thí sinh Lê Hoàng Bảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã giành được giải nhất hạng mục báo in – báo trực tuyến với tác phẩm Chuyện những phận người chông chênh nơi mép nước, hạng mục ảnh báo chí thuộc về tác phẩm Trước khi về với biển của tác giả Phùng Hạo và nhất hạng mục truyền hình là tác giả Hoàng Đào Nhật Ánh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) với tác phẩm Tiếng mưu sinh.
|
Và nhóm tác giả gồm Nguyễn Phương Quỳnh và Trần Thế Anh (cùng là sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Nguyễn Cung Phương Thảo (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM) của tác phẩm Liều thuốc nhiệm màu đã giành được giải bình chọn.
Bình luận (0)