Nhập xe tuk tuk để hạn chế xe máy

11/09/2012 03:05 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng đề xuất nhập xe tuk tuk cần được xem xét kỹ lưỡng, trước mắt chưa phải là vấn đề ưu tiên đối với giao thông Hà Nội hiện nay.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, trong văn bản gửi Bộ GTVT hiệp hội đã đề nghị Bộ cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3 - 4 bánh (còn gọi là xe tuk tuk) hiện đang được các nước Thái Lan, Ấn Độ, Singapore… sử dụng. Cụ thể, các loại xe này sẽ được lưu hành trên đường các quận, huyện (không lưu hành trên quốc lộ), tiếp nối với các nhà chờ xe buýt. Xe sẽ hoạt động trên đường liên xã, liên huyện gom khách và đón tiễn khách tại các điểm nhà chờ xe buýt. Chỉ có các HTX, tổ hợp mới được mua xe theo quy hoạch riêng của từng quận huyện.

Nhập xe tuk tuk để hạn chế xe máy
Xe buýt mi ni - loại xe tương tự tuk tuk - từng được nghiên cứu đưa vào hoạt động ở Hà Nội nhưng không phù hợp. Ảnh: Ngọc Thắng

Trước đó, trong đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng đã đưa ra giải pháp “do thực trạng khổ đường của các đô thị lớn hiện nay, các phương tiện xe buýt không thể phủ kín được các khu dân cư, nên chăng cho nhập hoặc sản xuất loại xe tuk tuk như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… để xe luồn lách vào ngõ xóm, gom khách đưa ra các điểm đỗ xe buýt, cấm các loại xe này vào trục đường lớn, đường cấm xe cá nhân”.

Có thể sản xuất trong nước

Theo TS Khuất Việt Hùng, nếu cần dùng xe tuk tuk (hoặc xe dưới 12 chỗ) thì trong nước có khả năng sản xuất được. Loại xe tuk tuk do Trung Quốc sản xuất chạy bằng diesel rất ô nhiễm, Thái Lan thì đang nghiên cứu loại xe tuk tuk dùng khí ga hóa lỏng để bớt ô nhiễm. Do vậy không cần thiết phải nhập khẩu như đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội.

Cần nghiên cứu kỹ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết trong văn bản góp ý về đề án hạn chế phương tiện cá nhân, hiệp hội này cũng đã đề xuất cần điều chỉnh mạng lưới tuyến ô tô buýt phù hợp với việc phân bổ dân cư, đa dạng các loại kích thước và trọng tải xe, bố trí xe khai thác tuyến phù hợp với đường sá và lưu lượng hành khách. Cùng với xe buýt, cần bố trí xe chở khách tải trọng từ 12 chỗ ngồi trở xuống để chạy các tuyến cố định trong nội thành, nội thị, những nơi xe buýt không đến được. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, loại xe khách tải trọng nhỏ này là xe gì, có phải xe tuk tuk hay không thì cần có cơ quan chuyên môn nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu, hạ tầng vận tải và các quy định hiện hành. “Tuk tuk có nước dùng, nhưng cũng có nước đã bỏ. Đây là các loại xe dùng trong đô thị, nên nếu áp dụng loại xe nào cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và tính an toàn”, ông Hùng nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT, cho biết xe tuk tuk (Thái Lan) và xe Jeepey (Philippines) được sử dụng rất phổ biến tại 2 quốc gia này. Ở Thái Lan, xe tuk tuk tồn tại số lượng lớn do có chiều dài lịch sử, nhưng nước này cũng đang dần đẩy xe tuk tuk sang loại hình xe gom cho xe buýt. “Cấu trúc đường phố Hà Nội và đường phố Thái Lan khác nhau, nên việc có áp dụng loại hình xe tuk tuk hay không cần có nghiên cứu cụ thể”, ông Hùng nhận định.

Ông Hùng cũng cho biết, cách đây khoảng 1 năm, Hà Nội và TP.HCM có chủ trương giao các sở GTVT nghiên cứu tổ chức các tuyến xe buýt mi ni để gom khách trong nội thành, nhưng thực tế cho thấy không phù hợp. Việc phát triển xe buýt nhỏ, theo ông Hùng, phải được nghiên cứu để phục vụ mục đích gom khách ra bến chính xe buýt, không cạnh tranh với các tuyến xe buýt hiện hành. Mặt khác, trong luật Giao thông đường bộ hiện nay không có quy định nào về xe tuk tuk, nên việc có áp dụng loại hình này, hay một loại hình khác tương đương (xe buýt mi ni dưới 12 chỗ) cũng cần được nghiên cứu để bổ sung trong luật.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.