Người Nhật ứng xử với nhau bằng chữ tín và sự hòa nhã. Luật sư, vì thế, là cái nghề chẳng mấy ai cần. Nước Nhật có tàu “phi đạn” và những chuyến tàu “chợ” chính xác đến từng giây, nhưng sống chậm rãi và tỉ mỉ từng chi tiết là điều gần như bất di bất dịch.
Không cần luật sư
Trước khi đi Tokyo, tôi lên mạng tìm chỗ thuê điện thoại di động vì ở Nhật người ta không bán SIM điện thoại di động bỏ vào máy nào cũng xài được. Tôi tìm được Mobal, một công ty Mỹ, có dịch vụ cho thuê điện thoại với giá được nói là “mềm” nhất. Dịch vụ của họ chỉ đặt tại các sân bay quốc tế. Khách đăng ký thuê qua mạng, đến sân bay thì vào quầy của Mobal trả tiền thuê 1.400 yen (350.000 đồng) cho 2 tuần và nhận máy. Cước phí gọi và nhắn tin sẽ được trừ vào thẻ tín dụng.
Tôi bấm thử vào chỗ “đăng ký” và điền một vài thông tin cá nhân, rồi bấm “tiếp tục”, không ngờ được ngay thông báo “Cảm ơn bạn đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Mobal”. Ô hay, tôi đã cung cấp thông tin thẻ tín dụng đâu chứ? Rồi Mobal gửi tiếp 2 thư điện tử xác nhận việc tôi đăng ký và cung cấp số điện thoại cho tôi. Tôi bối rối tự hỏi nếu tôi không đến trả tiền và nhận số thì họ “phạt” tôi bằng cách nào?
Hôm sau, tôi vào website của một khách sạn bình dân để đặt phòng. Tương tự Mobal, khách sạn cũng xác nhận việc tôi đặt phòng mà chẳng hề đòi hỏi những thông tin có thể ràng buộc khách hàng. Điều lạ lùng là trong thư xác nhận, họ nói rõ nếu tôi hủy đặt phòng hoặc không đến sẽ bị phạt 20%, 80% hoặc 100% tiền phòng một ngày. Tôi thắc mắc: “Họ đi kiện củ khoai để đòi tiền phạt à?”.
Đến Tokyo, ông Charles Kaufmann, Tổng giám đốc khu vực Bắc Á của Tập đoàn chuyển phát nhanh DHL, giải đáp thắc mắc của tôi rằng đó là tập quán của người Nhật. Họ đối xử với nhau bằng chữ tín, ngay cả trong môi trường kinh doanh quốc tế. Ông Kaufmann, người Thụy Sĩ và đã sống ở Nhật hơn 10 năm qua, cho biết nếu bạn là khách hàng quen của một cửa hàng nào đó, họ sẵn sàng cho bạn nợ tiền mua hàng mà không cần một thứ giấy tờ bảo chứng nào. “Làm sao đảm bảo được rằng ông sẽ quay lại trả tiền?”, cánh phóng viên quốc tế hỏi. “Thì họ tin vào chữ tín, vậy thôi!”, ông Kaufmann trả lời.
Ông cũng kể, hơn 10 năm qua, DHL chỉ vướng vào một vụ kiện duy nhất ở Nhật. Người Nhật đối xử với nhau hòa nhã và không thích đụng đến pháp luật. Một vụ kiện có thể kéo dài rất nhiều năm bởi cơ quan chức năng sẽ cố hòa giải và hòa giải. “Vì thế, Nhật Bản có lẽ là đất nước ít luật sư nhất thế giới mà tôi biết”, ông Kaufmann nhận xét.
|
“Xin vui lòng cố nhịn ăn uống”
Một buổi sáng nắng đẹp rực rỡ, tôi quyết định đi tham quan vườn Kyu-Iwasaki-tei có dinh thự xây năm 1896 của người sáng lập Tập đoàn Mitsubishi, ông Iwasaki Yataro. Ở cửa vào dinh có tấm biển yêu cầu khách tháo giày dép bỏ vào túi. Nhưng thay vì treo mớ túi nylon cạnh đó để khách tự lấy, người ta cử một người đàn ông kính cẩn phát túi tận tay từng người khách.
Bước vào bên trong, có ngay một tấm biển nhắc khách không ăn uống nơi này. Không giống như ở hầu hết các nơi khác trên thế giới, cái biển sẽ được viết ngắn gọn “No food, No drink” (Không thức ăn, Không nước uống), người Nhật viết thế này: “Please refrain from eating and drinking”, dịch sát nghĩa là “Xin vui lòng cố nhịn ăn uống”. Tương tự, biển nhắc nhở khách không chụp hình được viết “Please refrain from taking photo”, chứ không phải “No photograph” hay chỉ hình vẽ một cái camera bị gạch chéo. Tôi rất ấn tượng về điều này và tự nhắc mình phải luôn giữ ý khi ở Nhật.
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, không đâu có cái đồn cảnh sát ngộ như ở Tokyo. Tiếng Nhật gọi là “koban”, trông hệt như một cái kios nằm ngay góc đường với logo là một chú thỏ vàng nhí nhảnh.
Ngoài một vài cái thông báo nhỏ và hình ảnh người đi lạc, người bị truy nã gì đó, chức năng các koban mà tôi thấy rõ nhất là chỉ đường. Khi có một người lại gần với cử chỉ cần sự giúp đỡ, một viên cảnh sát lập tức bước ra cửa, cúi chào khách. Khách chào lại và nói gì đó. Rồi viên cảnh sát quay vào bên trong, khoan thai lấy ra một tấm bản đồ khu vực, cúi người xuống giải thích cho khách trên bản đồ, sau đó mới ngẩng đầu lên chỉ khách đi hướng này, hướng khác.
Ngồi ở các giao lộ, nhưng cảnh sát có lẽ chẳng mấy khi phải can dự vào chuyện đi lại của xe cộ. Người Nhật lái xe cẩn thận, nghiêm túc. Không có tiếng động cơ gầm rú trong đêm. Không có cảnh ai đó phóng nhanh, vượt ẩu, để người khác phải kéo cửa kính xuống, thò đầu ra, buông vài câu chửi rủa, thậm chí là giơ nắm đấm vào mặt nhau.
Thục Minh
(VP Singapore)
Bình luận (0)