Thủ tướng Kishida hy vọng những điều chỉnh này sẽ tạo cú hích cho chính quyền của ông, mở đường để đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện tiếp theo tại Nhật Bản và tăng cường sự ủng hộ từ nội bộ đảng của ông trước cuộc đua chủ tịch LDP năm 2024.
Trong số 19 bộ trưởng, ông Kishida đã chọn 11 gương mặt mới với mong muốn mang đến hình ảnh mới mẻ cho nội các của mình, đồng thời giữ lại một số thành viên chủ chốt để duy trì sự ổn định, theo hãng tin Kyodo.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa, một nữ nghị sĩ kỳ cựu, được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Bà Kamikawa từng giám sát việc hành quyết các thành viên chủ chốt của giáo phái Aum Shinrikyo, lực lượng gây ra vụ tấn công bằng khí sarin chấn động ở ga tàu điện ngầm Tokyo vào năm 2005, theo Reuters.
Ông Minoru Kihara, người từng là cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Ông Kihara là thành viên cấp cao của một nhóm lưỡng đảng cố gắng thúc đẩy quan hệ với Đài Loan, cũng như từng đến thăm hòn đảo này.
Cả hai gương mặt mới sẽ là những nhân vật chủ chốt trong việc điều hướng chính sách của Nhật Bản với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ hai nước đã gia tăng căng thẳng gần đây vì vụ xả nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Các thành viên mới trong nội các mới khác bao gồm Bộ trưởng Y tế Keizo Takemi, Bộ trưởng Tái thiết Shinako Tsuchiya và Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita, bên cạnh những người khác.
Ngoài tân Ngoại trưởng Kamikawa, 3 gương mặt phụ nữ mới trong nội các bao gồm: Bộ trưởng Tái thiết Shinako Tsuchiya, Bộ trưởng Chính sách trẻ em Ayuko Kato và Bộ trưởng Phục hồi địa phương Hanako Jimi. Nữ bộ trưởng thứ năm là bà Sanae Takaichi, phụ trách an ninh kinh tế, được giữ lại từ nội các cũ.
Với 5 nữ bộ trưởng, số lượng phụ nữ trong nội các mới đã tăng thêm 3 người so với cơ cấu nội các trước đó và bằng với số lượng phụ nữ trong nội các được thành lập bởi chính phủ Thủ tướng Junichiro Koizumi vào năm 2001 và sau đó là chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2014.
Là một phần trong nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của mình, ông Kishida mong muốn gia tăng số lượng nữ bộ trưởng ở một quốc gia nổi tiếng vì sự chậm chạp trong việc trao quyền cho phụ nữ. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu năm nay cho thấy Nhật Bản xếp thứ 138/146 quốc gia về bình đẳng giới trong chính trị, theo Nikkei Asia.
Nỗ lực cải tổ diễn ra khi tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho nội các của ông Kishida tiếp tục sụt giảm, một phần do những vấn đề liên quan hệ thống thẻ căn cước công dân "My Number" và sự thất vọng của công chúng trong bối cảnh giá cả tăng cao nhưng lương không tăng. Theo một cuộc thăm dò đài truyền hình NHK thực hiện vào tuần trước, khoảng 43% số người được hỏi không hài lòng với sự lãnh đạo của ông Kishida trong khi 36% hài lòng.
Với mong muốn duy trì sự liên tục trong chính sách, ông Kishida giữ lại Bộ trưởng Kỹ thuật số Taro Kono, người tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ), trước đây từng giữ chức ngoại trưởng và được lòng công chúng, để giải quyết các vấn đề về hệ thống "My Number".
Trước đó trong ngày 13.9, ông Kishida, người đứng đầu LDP, đã thay đổi ban lãnh đạo đảng cầm quyền. Trong số 4 lãnh đạo chủ chốt, ông giữ lại ông Toshimitsu Motegi và ông Koichi Hagiuda lần lượt giữ vai trò tổng thư ký và giám đốc chính sách, đồng thời chọn bà Yuko Obuchi, con gái 49 tuổi của cố Thủ tướng Keizo Obuchi, làm giám đốc chiến dịch tranh cử.
Ông Kishida, lãnh đạo phe lớn thứ tư trong LDP, cũng giữ lại phó chủ tịch đảng Taro Aso, cựu thủ tướng và là người đứng đầu phe lớn thứ hai của đảng cầm quyền, để đảm bảo sự phân bổ quyền lực cân bằng trong đảng.
Nhiệm kỳ 4 năm của các hạ nghị sĩ hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 10.2025, nhưng đang có những đồn đoán rằng ông Kishida sẽ giải tán hạ viện để tiến hành bầu cử sớm nếu tỷ lệ ủng hộ nội các của ông tăng trở lại. Theo các chuyên gia chính trị, ông Kishida hy vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ giúp ông tái đắc cử trong cuộc đua chủ tịch LDP vào tháng 9.2024, đặt nền móng để ông tiếp tục ngồi ghế thủ tướng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng việc ông Kishida không giao các chức vụ quan trọng cho người mới có thể hạn chế những tác động đối với công chúng mà nỗ lực cải tổ có thể tạo ra.
Bình luận (0)