Nhật Bản chạy đua thuê 270.000 kỹ sư trí tuệ nhân tạo

02/10/2021 14:15 GMT+7

Dự kiến vào năm 2030 sẽ có 270.000 công việc trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật (IoT) mà Nhật Bản khó có thể lấp đầy.

Theo Nikkei, mặc dù Nhật Bản có lượng kỹ sư công nghệ thông tin (IT) nhiều thứ 4 trên thế giới, nhưng nước này lại đi sau các quốc gia khác trong việc nuôi dưỡng đội ngũ chuyên gia không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Với rất ít sinh viên tốt nghiệp có bằng STEM, viết tắt của ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, Nhật Bản đang bắt đầu nhận thấy một tương lai ảm đạm và nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực công nghệ thông minh.

“Chúng tôi không thể phát triển một hệ thống để dự báo nhu cầu về sản phẩm dù chúng tôi cần nó”, một giám đốc điều hành nhà sản xuất thực phẩm phụ trách chuyển đổi kỹ thuật số than thở. Mặc dù công ty đã tăng nhân viên IT lên 1,6 lần, nhưng công ty vẫn chưa nuôi dưỡng được những nhân viên thạo công nghệ tiên tiến.

Nhân viên công nghệ tiên tiến chuyên về AI và các thiết bị thông minh kết nối với IoT ở Nhật Bản mới chỉ chiếm 10%

chụp màn hình

Theo khảo sát của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, ngành thông tin và truyền thông của quốc gia Đông Á có 1,22 triệu kỹ sư trong năm 2020, nhiều thứ tư trên thế giới. Số lượng nhân lực này ở Mỹ là 4,09 triệu, Ấn Độ là 2,32 triệu và Trung Quốc là 2,27 triệu. Tuy nhiên, sức mạnh cạnh tranh không nằm ở số lượng, các kỹ năng IT cụ thể mới là điều quan trọng. Năm 2018, lao động IT thông thường, chủ yếu là người phát triển trang web và ứng dụng, chiếm 90% tổng số lao động công nghệ ở Nhật Bản. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, nhân viên công nghệ tiên tiến chuyên về AI và các thiết bị thông minh kết nối với IoT mới chỉ chiếm 10%.

Nhu cầu về nhân tài dự kiến ​​sẽ tăng nhanh đến mức việc dạy các kỹ năng chuyển đổi kỹ thuật số cho nhân viên IT thông thường sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt. Theo dự báo của công ty nghiên cứu Mỹ Gartner, hơn 70% ứng dụng được phát triển cho mục đích kinh doanh sẽ là nền tảng không mã (no-code) và ít mã (low-code), không cần lập trình. Thay vào đó, những người có khả năng giải quyết các vấn đề về AI và IoT sẽ là nhân lực cần thiết.

Nhu cầu đối với sinh viên tốt nghiệp có bằng STEM cũng sẽ tăng. Sau khi phân tích dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nikkei nhận thấy 29.000 sinh viên Nhật Bản tốt nghiệp chuyên ngành khoa học tự nhiên, toán học và thống kê vào năm 2018. Cùng năm đó, Mỹ có số lượng tương ứng cao gấp 10 lần. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của sinh viên tốt nghiệp trong các lĩnh vực này từ năm 2014 đến năm 2018 ở Nhật Bản thực sự đã giảm 0,4%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 10% ở Pháp và 7% ở Ý.

Trong bảng xếp hạng cạnh tranh kỹ thuật số thế giới, được tổng hợp dựa trên các phân tích của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế ở Thụy Sĩ, xếp hạng tổng thể của Nhật Bản đã giảm từ vị trí 20 năm 2013 xuống vị trí 27 năm 2020. Hiện các trường đại học và các công ty ở Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp với hy vọng có thể cung cấp đủ số lượng kỹ sư IT chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.