Trong cuộc đua tạo ra nguyên tố thứ 113 của bảng tuần hoàn hóa học Mendeleev, vòng nguyệt quế rất có thể được trao cho các nhà khoa học thuộc Viện RIKEN Nhật Bản, và tên gọi nguyên tố này dự định sẽ là Japani.
Giáo sư Kosuke Morita trước cỗ máy gia tốc dùng thí nghiệm tạo ra nguyên tố thứ 113, tại Viện Riken ở Wako, tỉnh Saitama, Nhật Bản ngày 26.9.2012 - Ảnh: Báo Asahi Shimbun |
Ngày hôm nay 26.12, các tác giả đã ra thông báo cho biết nguyên tố thứ 113 sẽ được công bố chính thức vào cuối tháng 1.2016.
Theo RIA Novosti ngày 26.12 dẫn nguồn báo Sankei Shimbun, nhóm công tác của Hiệp hội Hóa học lý thuyết & ứng dụng quốc tế (IUPAC) đã kết luận công nhận các nhà khoa học RIKEN là tác giả của nguyên tố thứ 113. Nhưng để đưa ra quyết định cuối cùng sẽ được công bố vào cuối tháng 1.2016, phải có sự đồng ý của Hiệp hội Vật lý lý thuyết & ứng dụng quốc tế (IUPAP) với kết luận đó.
Nếu các nhà khoa học Nhật Bản được công nhận là tác giả đích thực, có nhiều khả năng họ sẽ dùng quyền tác giả của mình để đặt tên cho nguyên tố mới trong bảng tuần hoàn là Japani nhằm tôn vinh dân tộc mình.
Quá trình nghiên cứu để tạo ra nguyên tố thứ 113 là cuộc đua kéo dài hơn 10 năm giữa nhóm hợp tác khoa học Nga-Mỹ và các đồng nghiệp Nhật Bản. Từ tháng 9.2004, nhóm nhà khoa học Nhật Bản do giáo sư Kosuke Morita dẫn đầu đã tiến hành tổng hợp nguyên tố 113 bằng cách sử dụng máy gia tốc để bắn phá các nguyên tử Zn-30 (kẽm) và Bi-83 (Bismuth). Kết quả, trong các năm 2004, 2005 và 2012, họ đã nắm bắt được ba chuỗi phân rã tương ứng với sự hình thành của nguyên tố thứ 113.
Các nhà khoa học Nga và Mỹ thì công bố việc tạo ra nguyên tố 113 trong quá trình tổng hợp nguyên tố 115 ở viện nguyên tử Dubna (Moscow) vào tháng 2.2004 và đề xuất gọi tên Becquerel, tuy nhiên IUPAC cho biết chưa đủ bằng chứng cho thấy vật chất mà họ tạo ra chính là nguyên tố thứ 113. Hơn 10 năm qua, các tổ chức khoa học quốc tế đã nghiên cứu những dữ liệu về quá trình tổng hợp nguyên tố 113 mà hai bên trình bày và đến nay thì sự việc coi như đã ngã ngũ.
Bình luận (0)