Nhật Bản không ngừng đột phá sức mạnh quân sự trên biển

07/04/2024 07:00 GMT+7

Không chỉ dần hoàn thiện năng lực tác chiến tàu sân bay với 2 tàu lớp Izumo, Nhật Bản còn đang đẩy mạnh hợp tác, viện trợ quân sự cho nhiều nước trong khu vực.

Hôm qua 6.4, thông qua mạng xã hội, Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản (JMSDF) thông báo hoàn tất giai đoạn 1 của việc nâng cấp tàu khu trục JS Kaga thuộc lớp Izumo để hướng đến triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35B.

Bước đột phá của Nhật Bản

Có thiết kế tương tự các loại tàu đổ bộ tấn công, như lớp America và Wasp của Mỹ, với sàn tàu rộng có thể được sử dụng để triển khai chiến đấu cơ, nhưng khi ra mắt vào năm 2013, tàu lớp Izumo chỉ được Nhật Bản khiêm tốn gọi là tàu khu trục chở máy bay trực thăng. JMSDF sở hữu 2 chiếc lớp Izumo là JS Izumo (DDH-183) và JS Kaga (DDH-184). Đến năm 2018, trước nhiều biến động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), Nhật Bản tiết lộ sẽ tiến hành nâng cấp 2 tàu lớp Izumo để có thể triển khai chiến đấu cơ F-35B. Năm 2021, chiến đấu cơ F-35B của Mỹ đã thử nghiệm đáp thành công trên tàu JS Izumo.

Nhật Bản không ngừng đột phá sức mạnh quân sự trên biển- Ảnh 1.

Tàu JS Kaga trong một lần ra khơi và sơ lược thông tin về tàu lớp Izumo khi hoàn thiện nâng cấp

Ảnh: JMSDF - Đồ họa: Hoàng Đình

Thuộc dòng F-35, F-35B là phiên bản cho phép cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để hoạt động được trên nhiều lớp tàu đổ bộ tấn công. Đến nay, sau thông báo mới của JMSDF, Nhật Bản sắp hoàn thiện việc nâng cấp cả 2 tàu chiến trên để có thể triển khai tác chiến như tàu sân bay.

Tuy nhiên, theo Tokyo, việc nâng cấp chỉ mang tính chất tăng cường năng lực phòng thủ, chiến đấu cơ F-35B sẽ không được triển khai thường xuyên trên 2 tàu lớp Izumo để các chiến hạm này không mang tính chất tấn công. Đến nay, Nhật Bản đã đặt mua 105 chiếc chiến đấu cơ F-35A và 42 chiếc F-35B, theo trang Defense News. Trong đó, nước này đã biên chế một số F-35A và dự kiến bắt đầu tiếp nhận F-35B từ năm 2025.

Việc sở hữu 2 chiến hạm có thể triển khai tác chiến loại máy bay chiến đấu cơ tối tân như F-35B trở thành bước ngoặt quan trọng. Bởi vì tàu sân bay giúp cho JMSDF có được lực lượng chiến hạm hiện đại toàn diện.

Nhật Bản hoán cải khu trục hạm thành tàu sân bay cho F-35B

Những năm qua, JMSDF đã sở hữu nhiều loại chiến hạm tối tân, thuộc nhóm hùng mạnh trên thế giới. Điển hình như các lớp tàu khu trục Kongo, Atago, Maya của Nhật đều được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Aegis. Trong đó, tàu lớp Maya và Atago còn được trang bị 96 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Đây là những lớp tàu khu trục hiện đại nhất thế giới. Bên cạnh đó, các lớp tàu ngầm Soryu và Taigei của Nhật cũng được xếp vào nhóm đầu của loại tàu ngầm chạy động cơ diesel lai điện. JMSDF còn các loại vũ khí nổi trội khác như tàu hộ tống lớp Mogami rất hiện đại, hay 2 tàu lớp Hyuga có thể chở hàng chục máy bay các loại…

Tăng cường viện trợ quân sự

Bên cạnh việc tăng cường năng lực quân sự, Nhật Bản cũng đẩy mạnh chia sẻ gánh nặng an ninh và đồng hành với Mỹ trong nhiều chương trình hợp tác đa phương với các đối tác ở khu vực như "bộ tứ an ninh" (Mỹ - Nhật - Úc - Ấn Độ), các hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và Mỹ - Nhật - Hàn Quốc, đồng thời xúc tiến hợp tác công nghệ cùng thỏa thuận AUKUS (Mỹ - Anh - Úc).

Không những vậy, Nhật Bản đang mở rộng chương trình hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) cho một số nước. Tháng 4.2023, trong thông cáo về OSA như một phần quan trọng trong chiến lược an ninh mới, Nhật Bản nhấn mạnh: "Để ngăn chặn những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Indo-Pacific và tạo ra một môi trường an ninh mong muốn cho Nhật Bản".

Theo trang The Defense Post, nằm trong khuôn khổ OSA, Nhật đang hoàn thành việc cung cấp tàu tuần tra trị giá khoảng 3,8 triệu USD cho Bangladesh. Năm ngoái, khi thăm chính thức Philippines, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã công bố OSA dành cho nước chủ nhà, cụ thể là viện trợ radar trinh sát trên biển.

Ngay trong năm tài chính 2023, Nhật Bản dành ra ngân sách 2 tỉ yen (gần 14 triệu USD) để thực hiện OSA cho Philippines, Bangladesh, Fiji và Malaysia. Dự kiến sang năm tài chính 2024, Nhật Bản sẽ tăng ngân sách OSA lên 5 tỉ yen (khoảng 34 triệu USD) dành cho 6 quốc gia, trong đó có 3 nước Đông Nam Á. 

Đẩy mạnh hợp tác quân sự, công nghiệp quốc phòng Mỹ - Nhật

Tờ South China Morning Post hôm qua 6.4 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết Washington tìm cách hiện đại hóa cấu trúc chỉ huy của liên minh an ninh với Tokyo nhằm đối phó với những thách thức đang nổi lên ở Indo-Pacific. Theo đó, sự nâng cấp này không chỉ cho "một tình huống bất ngờ" mà còn "được xây dựng xung quanh an ninh ở Indo-Pacific".

Thông tin được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida với Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra ngày 10.4 tại Washington D.C. Dự kiến qua cuộc gặp, hai bên sẽ đạt một loạt thỏa thuận quan trọng về hợp tác quân sự và công nghiệp quốc phòng. Cũng trong dịp này, hai nhà lãnh đạo còn tham gia hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Hôm nay 7.4, theo Kyodo, dự kiến lực lượng quân sự Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Úc có cuộc tập trận chung ở Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.