Nhật Bản lần đầu đón 30 máy bay quân sự từ ba nước châu Âu

Trí Đỗ
Trí Đỗ
26/06/2024 11:28 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25.6 thông báo Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của nước này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận chung với Đức, Pháp và Tây Ban Nha tại Nhật Bản vào tháng 7 tới.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một đội gồm hơn 30 máy bay quân sự từ Đức, Pháp và Tây Ban Nha sẽ triển khai lực lượng tới Nhật Bản để tiến hành một loạt cuộc tập trận mang tên Vùng trời Thái Bình Dương (Pacific Skies) - hiện được không quân 3 nước châu Âu nói trên tổ chức. Cuộc tập trận này kéo dài khoảng 2 tháng bắt đầu từ giữa tháng 6 tại nhiều khu vực, trong đó có Hawaii và Úc, theo The Japan Times.

Nhật Bản lần đầu đón 30 máy bay quân sự từ ba nước châu Âu- Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu của Đức và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung trên bầu trời Nhật Bản vào tháng 9.2022.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản

Theo kế hoạch, các cuộc tập trận của ASDF với Pháp sẽ diễn ra vào ngày 19 - 20.7 trên không phận xung quanh căn cứ không quân Hyakuri ở tỉnh Ibaraki, trong khi các cuộc tập trận với cả Đức và Tây Ban Nha sẽ được tổ chức trên không phận xung quanh căn cứ không quân Chitose ở Hokkaido.

Tham gia tập trận, Đức và Tây Ban Nha sẽ gửi chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon, còn Pháp sẽ điều máy bay phản lực Rafale đến Nhật Bản. Ngoài ra, cuộc diễn tập còn góp mặt của một số máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu trên không cũng như hàng trăm nhân viên quân sự.

Hải quân, không quân châu Âu dồn đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ông Kihara đánh giá các chuyến thăm thường xuyên tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của lực lượng vũ trang của Đức, Pháp, Tây Ban Nha là bằng chứng cho thấy quyết tâm dấn thân và thể hiện vai trò rõ ràng hơn của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các cuộc tập trận chung của Nhật Bản với quân đội nước khác không chỉ giúp cải thiện kỹ năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mà còn thắt chặt quan hệ hợp tác với các bên, cũng như góp phần hiện thực hóa tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tokyo.

Chuỗi động thái trên diễn ra trong bối cảnh cả Nhật Bản và châu Âu đều lo ngại về các thách thức gia tăng đối với trật tự quốc tế, bao gồm xung đột ở Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng an ninh ở Đông Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.