Nước Nhật đang đứng dậy sau bi kịch tưởng như không thể vượt qua, nhờ nỗ lực của người dân, chính quyền cũng như sự hỗ trợ của thế giới.
Hôm nay 11.3, Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa động đất/sóng thần tàn phá vùng đông bắc nước này với sự tham dự của Nhật hoàng Akihito và Thủ tướng Yoshihiko Noda. Vào 14 giờ 46 phút (giờ địa phương) ngày 11.3.2011, cơn địa chấn mạnh đến 9 độ Richter xé nát nhiều khu vực và dẫn đến trận sóng thần khủng khiếp liếm sạch những gì nằm trên đường đi của nó. Theo thống kê, 16.000 người thiệt mạng, 3.300 người mất tích và hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Thảm họa còn gây ra khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ vụ Chernobyl năm 1986.
Trong tuần qua, nhiều lễ tưởng niệm nạn nhân thảm họa đã được tổ chức ở Miyagi, Iwate và Fukushima, 3 tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất. Tại lễ tưởng niệm ở thị trấn Ishinomaki, Miyagi, ông Takeshi Takeyama phát biểu trước 500 người tham dự: “Nỗi đau chưa thể chấm dứt. Tuy nhiên, chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau dù vẫn khóc thương những người yêu quý của chúng ta”. Ông Takeyama, 57 tuổi, có 2 con thiệt mạng trong ngày tang thương cách đây một năm, theo Kyodo News.
|
Chung sức xoa dịu nỗi đau
Suốt năm qua, đã có vô số bài báo, hình ảnh về nỗi đau của nhân dân Nhật, về nghị lực và tinh thần kỷ luật phi thường của từng thanh niên, người già, em bé hay những nhân viên dũng cảm tại Nhà máy Fukushima số 1. Đến nay, công cuộc hồi sinh vẫn đang tiếp diễn từng ngày với những nỗ lực và kết quả đáng khâm phục. Theo Kyodo News, số tiền ủng hộ những người sống sót đã vượt qua con số 6 tỉ USD và còn khoảng 1 triệu nhân viên tình nguyện đang tham gia tái thiết những vùng bị tàn phá nặng nề nhất.
Trong thời gian qua, chính quyền Tokyo không chỉ hỗ trợ công tác tái thiết cơ sở hạ tầng, ổn định cuộc sống cho người dân mà còn đưa ra nhiều chính sách trợ giá và vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Nhờ đó, gần 80% trong số 27.000 cơ sở kinh doanh tại Miyagi, Iwate và Fukushima đã có thể hoạt động trở lại, theo thống kê đăng ngày 9.3 của tờ Yomiuri Shimbun. Ngoài ra, chính phủ cũng đã chuyển sang giai đoạn làm sạch phóng xạ tại các khu vực xung quanh Nhà máy Fukushima số 1, sau khi tuyên bố tình hình nhà máy đã ổn định vào tháng 12. Tokyo dành 14 tỉ USD cho dự án này, dự kiến kéo dài tới tháng 3.2014, theo AP.
Bên cạnh đó, còn có những hành động tuy nhỏ bé, đời thường, không “mang tầm vĩ mô” nhưng cũng góp phần lớn xoa dịu nỗi đau. Theo CNN, 2 sinh viên Nhật ở Tokyo cùng một số người tình nguyện khác đang hằng đêm cặm cụi ngồi phục hồi miễn phí hàng chục ngàn bức ảnh bị hư hại được gửi tới từ khắp miền đông bắc. Nhóm “thợ ảnh” cho hay ban đầu họ muốn chung tay vào công cuộc phục hồi của đất nước nhưng không biết bằng cách nào. Sau đó, họ nghĩ ra cách phục hồi ảnh để giúp các nạn nhân lưu giữ những kỷ niệm đẹp trước ngày 11.3. Trong đó, có cả ảnh của những người mãi mãi không quay về.
Không để lại gánh nặng
Dĩ nhiên, cũng phải khách quan thừa nhận rằng công cuộc tái thiết của Nhật vẫn còn nhiều lỗ hổng và tiến triển chậm do hậu quả quá lớn của thảm họa. Đến nay, vẫn còn 326.000 người phải sống trong các khu tạm cư và hàng ngàn người chạy tránh phóng xạ chưa thể trở về nhà. Ngoài ra, mới có 5% trong 22,5 triệu tấn rác, xà bần sau động đất/sóng thần tại các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima được xử lý. AFP dẫn lời Thủ tướng Noda thừa nhận công cuộc tái thiết phải mất 10 năm mới hoàn tất dù vẫn đang tiến triển tốt. Theo Đài PRI, chính quyền địa phương đang gặp vấn đề về nguồn vốn, trong khi Tokyo gần một năm sau thảm họa mới lập được một cơ quan tái thiết độc lập. Ngoài ra, những nạn nhân của sự cố hạt nhân đang phải tranh đấu đòi bồi thường từ Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành Nhà máy Fukushima số 1, theo AFP. Theo trung tâm giải quyết tranh chấp của chính phủ Nhật, tính đến tháng 2.2012, mới có 13 trong số 1.000 đơn đòi bồi thường nộp từ tháng 9.2011 được giải quyết.
Ngày 3.3, Thủ tướng Noda thừa nhận chính phủ đã ứng phó chậm sau thảm họa và quá tin tưởng vào sự an toàn của điện hạt nhân, theo AFP. Tuy nhiên, ông Noda khẳng định không đổ lỗi cho bất kỳ cá nhân nào mà mọi người phải cùng chia sẻ nỗi đau, trách nhiệm cũng như rút ra thêm một bài học lớn về phòng ngừa và đối phó những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Quyết tâm của cả đất nước dường như được thể hiện đầy đủ qua lời khẳng định của công nhân Tatsuya Tamaki tại TEPCO với Reuters: “Chúng tôi sẽ kết thúc thảm họa trong thế hệ của mình và sẽ không để con cháu phải gánh công việc này”.
Lời cám ơn từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản Đúng 1 năm đã trôi qua sau thảm họa thiên tai xảy ra ngày 11.3.2011 tại vùng đông bắc Nhật Bản. Sau thảm họa, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi lời động viên, chia sẻ và hỗ trợ Nhật Bản. Rất nhiều người, từ người lớn đến trẻ em, không chỉ cá nhân mà các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể và công ty đã trực tiếp đến Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM gửi tiền quyên góp hỗ trợ. Năm vừa qua là một năm cực kỳ khó khăn đối với Nhật Bản. Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự hỗ trợ to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Nhật Bản. Nhân đây xin cung cấp một số thông tin về tình hình tái thiết của Nhật Bản. Sau khi nhận được sự hỗ trợ ấm áp từ Việt Nam và cộng đồng thế giới, Nhật Bản bắt đầu bền bỉ từng bước hướng đến tái thiết và hồi sinh. Tình hình kinh tế, cơ sở hạ tầng tại nơi xảy ra thảm họa đang dần được khôi phục. Cuộc sống thường nhật tại ngoại vi nơi xảy ra thảm họa đang trở lại như trước. Xin nhấn mạnh rằng chuỗi cung ứng hàng hóa đã được khôi phục hoàn toàn, không còn gây trở ngại lớn đến du lịch, du học, kinh doanh tại Nhật Bản. Nhật Bản đã trải qua kinh nghiệm đầy đau thương về thảm họa thiên tai, từ đó càng ý thức mạnh mẽ hơn về nghị lực kiên cường của người dân và xã hội Nhật Bản, càng hiểu rõ hơn về tính quan trọng của mối ân tình từ cộng đồng quốc tế. Để đáp lại sự hỗ trợ chân tình từ cộng đồng quốc tế, Nhật Bản sẽ tiếp tục tích cực cống hiến cho thế giới. Vượt qua khó khăn này tiến đến bước tốt đẹp hơn, Nhật Bản mong muốn chuyển dịch sang nền kinh tế sạch và xanh, tích cực phòng chống thiên tai, xử lý các vấn đề của Nhật Bản hướng đến hồi sinh, đem lại cho thế giới một mô hình kiểu mẫu mới, xứng tầm là một quốc gia dẫn đầu giải quyết các vấn đề nhằm đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Nhật Bản. Xin cám ơn Báo Thanh Niên đã tạo điều kiện để chúng tôi bày tỏ lời cám ơn này. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Nhật Bản
Hida Harumitsu Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM |
Văn Khoa
Bình luận (0)