Nhật Bản, Mỹ bắt tay phát triển dự án đánh chặn tên lửa bội siêu thanh

Trí Đỗ
Trí Đỗ
08/05/2024 12:40 GMT+7

Nhật Bản thông báo hợp tác với Mỹ trong Dự án Glide Phase Interceptor (GPI) hay "Đánh chặn giai đoạn lướt" trị giá 3 tỉ USD, với mục tiêu xây dựng hệ thống đánh chặn các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa bội siêu thanh.

Theo South China Morning Post ngày 8.5, Nhật Bản dự kiến phân bổ 1 tỉ USD cho dự án GPI về đánh chặn tên lửa bội siêu thanh. Song song đó, Mỹ cũng sẽ chi hơn 2 tỉ USD cho dự án GPI theo ước tính ngân sách năm 2025 do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào tháng 3.2024.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoàn tất các chi tiết của thỏa thuận này vào tháng 8 năm ngoái, trước thềm hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David (Mỹ). Washington và Tokyo đặt mục tiêu hoàn thành việc phát triển tên lửa vào cuối năm 2032.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 10.4.2024.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng ở Washington (Mỹ) vào ngày 10.4.2024.

AFP

Theo Kyodo News, khác so với hệ thống phòng thủ thông thường được thiết kế để đánh chặn tên lửa ngay trước khi tiếp cận mục tiêu, dự án mới nhằm đánh chặn các tên lửa bội siêu thanh đang lao tới trong giai đoạn bay dễ bị tổn thương nhất trước khi chúng từ không gian quay trở lại bầu khí quyển. Ngoài ra, tương tự như các hệ thống chống tên lửa hiện có, dự án chung giữa Mỹ - Nhật sẽ yêu cầu triển khai hệ thống phát hiện và theo dõi tiên tiến, đồng thời phát triển radar tầm xa cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong dự án.

Trong một bài quan điểm tuần trước trên tờ Sankei, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nói rằng hệ thống đánh chặn GPI rất quan trọng đối với mục tiêu phòng thủ. Theo ông Rahm, Nhật Bản và Mỹ cần phải "tiếp thu những bài học" về sự kiện tấn công của Iran phóng vào lãnh thổ Israel đêm 13 rạng sáng 14.4. Theo đó, 99% trong số hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Iran bắn, đã bị hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) và các hệ thống phòng không khác của Israel đánh chặn.

Triều Tiên hé lộ hình dáng tên lửa bội siêu thanh

Ông Rahm nhấn mạnh: "Để hiện thực hóa một cấu trúc phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, chúng ta cần khẩn trương đẩy nhanh việc phát triển công nghệ thế hệ tiếp theo để đối phó với các mối đe dọa tên lửa và UAV trong tương lai".

Ông Ykov Zinberg, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Kokushikan tại Tokyo (Nhật Bản) nhận định rằng các bài học được rút ra liên tục từ các cuộc xung đột đang diễn ra trên thế giới. Vì vậy điều cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và Nhật Bản là tìm cách phát hiện và có biện pháp đối phó với các mối nguy hiểm mới. "Nhưng tôi không nghi ngờ gì rằng chúng ta hiện đang chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nó nguy hiểm hơn cả Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh lạnh diễn ra giữa 2 siêu cường, nhưng ngày nay kịch bản đó đã hoàn toàn thay đổi", ông Ykov cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.