Theo đúng kế hoạch, tên lửa H3 số 3 nội địa được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima (tây nam Nhật Bản), phóng tầng đầu tiên sau khoảng 5 phút và tách Vệ tinh sau khoảng 17 phút. Vụ phóng tên lửa H3 số 3 ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 30.6, nhưng bị tạm hoãn do dự báo thời tiết xấu, theo Kyodo.
Việc phóng tên lửa H3 - phiên bản kế nhiệm của tên lửa H2A của Nhật Bản, diễn ra trong bối cảnh nước này đang tìm chỗ đứng trong lĩnh vực vệ tinh ngày càng cạnh tranh. Trong năm nay, Nhật Bản vạch lộ trình phóng tên lửa H3 6 lần/năm.
Vệ tinh quan sát mặt đất tiên tiến 4 (ALOS-4), được mang theo dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ quan sát trái đất và thu thập dữ liệu để ứng phó với thảm họa và lập bản đồ. Nó cũng có khả năng giám sát hoạt động quân sự bằng cảm biến hồng ngoại do Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển, theo ABC News. Nhờ sử dụng radar, vệ tinh có thể thu được hình ảnh ngay cả trong thời tiết xấu và ban đêm.
Hồi tháng 3.2023, Nhật Bản phóng tên lửa H3 số 1 nhưng không thành công do động cơ tầng thứ hai không đánh lửa. Đến tháng 2 năm nay, Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản tuyên bố phóng thành công tên lửa mới H3, song nó mang theo một vệ tinh giả, theo Kyodo.
Tên lửa nhiên liệu lỏng H3 được tập đoàn JAXA và Mitsubishi Heavy Industries Ltd. phát triển để hiện thực hóa mục tiêu phát triển hệ thống tên lửa thế hệ tiếp theo và thương mại hóa chúng cũng như cắt giảm chi phí sản xuất. Nhật Bản hiện coi năng lực vũ trụ ổn định và có sức cạnh tranh thương mại là chìa khóa cho chương trình vũ trụ và an ninh quốc gia của mình.
Bình luận (0)